Ngày 3/11, báo chí Thái Lan có nhiều tin, bài phản ánh dư luận chính giới và xã hội về việc chính trường nước này sắp bước vào những thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành bại của tiến trình cải cách.
Thời điểm quan trọng đáng chú ý trong dịp này là, ngày 4/11, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và Nội các Thái Lan sẽ tiến hành cuộc họp chung; trong đó sẽ quyết định lựa chọn Chủ tịch và 10 thành viên còn lại của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp; tạo cơ sở cho việc thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 36 thành viên theo đúng lộ trình.
Ngay sau đó, Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp sẽ đóng vai trò chính trong việc triển khai tiến trình soạn thảo Hiến pháp mới của Thái Lan, bao gồm các công đoạn như: Hội đồng cải cách quốc gia tập hợp dữ liệu nội dung cải cách của 11 lĩnh vực về chính trị - kinh tế - xã hội để Ủy ban soạn thảo Hiến pháp thể hiện những nội dung này trong bản dự thảo Hiến pháp mới; Hội đồng cải cách quốc gia sẽ thông qua dự thảo Hiến pháp.
Nhìn vào thể thức lựa chọn và thành phần của Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan không khỏi lo ngại những quy định của Hiến pháp mới sẽ bị chi phối, áp đặt theo lập trường, quan điểm của ban lãnh đạo đảo chính; có thể đem lại quyền lực và lợi ích cho một số phe nhóm chính trị; đồng thời ngăn chặn cơ hội cạnh tranh lành mạnh của một số phe nhóm chính trị khác trên chính trường Thái Lan.
Theo dư luận, điều này rất dễ trở thành hiện thực, nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp hạn chế tiếp thu sự đóng góp ý kiến rộng rãi của tất cả các phe phái và tầng lớp xã hội Thái Lan trong tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp.
Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan còn nhấn mạnh, tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp mới của Thái Lan chỉ có thể thành công nếu được sự chấp nhận của đa số người dân nước này.
Muốn vậy, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế liên quan phải hiện thực hóa các cam kết của họ, đó là, nỗ lực giảm mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái và thực sự khôi phục được sự hòa giải, đoàn kết dân tộc.
Vì thế, việc Hội đồng lập pháp quốc gia tuyên bố sẽ xem xét việc bãi nhiệm một số cựu quan chức chính trị thuộc phe thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trong đó có cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vào ngày 6 và 12/11 tới, cũng sẽ là thời điểm quan trọng, phản ánh chiều hướng của tiến trình cải cách nói chung và tiến trình hòa giải, đoàn kết dân tộc nói riêng.
Đại diện của đảng Vì nước Thái, phe Áo đỏ và lực lượng ủng hộ dân chủ ở Thái Lan đã cảnh báo rằng: Nếu Hội đồng lập pháp quốc gia sử dụng các biện pháp bất công, thiếu cơ sở pháp lý để cố tình loại bỏ các đối thủ chính trị, thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các phe phái; khiến cho tiến trình cải cách gặp trở ngại lớn; thậm chí khó có thể đạt được những mục tiêu mà Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đề ra.
Tuy nhiên, dư luận Thái Lan cũng hy vọng rằng, lãnh đạo Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa ổn định chính trị và cải cách; và họ cần có sự điều chỉnh hợp tình, hợp lý trong việc chỉ đạo tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp theo hướng công tâm, dân chủ và được lòng dân hơn./.