Các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan được cho là đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm đưa Myanmar trở về trạng thái bình thường và ổn định.
Trong những ngày vừa qua, biểu tình phản đối giới quân sự nắm quyền liên tục xảy ra tại Myanmar, nhiều người biểu tình đã tụ tập xuống đường trên toàn quốc, tập trung vào nhiều đô thị lớn, trong đó có thành phố lớn nhất nước Yangoon. Quân đội Myanmar đã triển khai với quy mô lớn lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng quân sự và cảnh sát chống bạo động để duy trì trật tự.
Những người biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11 năm ngoái, cuộc bầu cử mà quân đội cáo buộc là có nhiều gian lận. Cho đến ngày 6/3, báo chí quốc tế dẫn nhiều nguồn tin cho rằng, đã có khoảng 56 người thiệt mạng tại các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar, trong đó, ngày 3/3 được gọi là "ngày đẫm máu", với ít nhất 38 người đã thiệt mạng.
Nhà báo Kavi Chongkittavorn của tờ Bangkok Post cho rằng, tình hình hiện nay ở Myanmar khá phức tạp.
“Tình hình tại Myanmar hiện đang khá phức tạp bởi lãnh đạo quân đội Myanmar vẫn thắt chặt an ninh và sử dụng vũ lực đối với người biểu tình và các phong trào phản kháng dân sự. Tôi nghĩ rằng, sẽ mất vài tuần để hai bên có thể ngồi lại đàm phán với nhau” - ông Kavi Chongkittavorn nói.
Kể từ khi chính biến xảy ra tại Myanmar, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực để xoa dịu tình hình. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức theo hình thức trực tuyến vào ngày 2/3 vừa qua, các Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình đang diễn ra tại Myanmar, trong đó thể hiện quan điểm của mình đối với các diễn biến gần đây và vai trò của ASEAN trong vấn đề này. Cuộc họp cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân Myanmar.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, tại hội nghị, nước này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và bày tỏ sự sẵn sàng của Thái Lan, với tư cách là một nước láng giềng thân thiết và là một thành viên ASEAN, hỗ trợ Myanmar theo đuổi giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân Myanmar.
Thái Lan là một quốc gia láng giềng có chung đường biên giới dài hơn 2 nghìn km với Myanmar, hành động của Thái Lan lúc này có thể sẽ tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với quan hệ song phương với Myanmar trên tất cả các khía cạnh bao gồm kinh tế, chính trị và an ninh.
Nhà báo Kavi Chongkittavorn nhận định, một vấn đề rất quan trọng hiện nay là các nước ASEAN nên triển khai các hoạt động ngoại giao con thoi để giúp ổn định tình hình tại Myanmar. Một số nước như Singapore, Indonesia và đặc biệt là Thái Lan có vai trò quan trọng giúp giải quyết tình hình.
“Thái Lan có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này bởi vì Thái Lan có đường biên giới dài 2 nghìn 401 km với Myanmar và có hơn 5 triệu lao động nhập cư người Myanmar đang làm việc tại Thái Lan, trong số đó, chỉ có một nửa là lao động hợp pháp, số còn lại là lao động bất hợp pháp. Bất kỳ rối loạn nào xảy ra ở Myanmar có thể gây ra tình trạng người tị nạn tràn vào biên giới Thái Lan. Ưu tiên quan trọng nhất của Thái Lan lúc này là sự ổn định tại Myanmar” - ông Kavi cho biết.
Myanmar đã rơi vào tình trạng bất ổn sau biến cố chính trị được giới lãnh đạo quân sự nước này tiến hành hôm 1/2, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình và đình công ngày càng lan rộng, khiến hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân bị tê liệt. Bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tình trạng biểu tình bạo lực vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này làm cho tình hình tại Myanmar tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp./.