Chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” kết thúc vào ngày 3/3 với việc người biểu tình giải tán khỏi 3 nút giao thông chính tại Bangkok (Thái Lan) nhưng những nỗ lực lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra vẫn tiếp tục. Ngoài ra, việc đảng Dân chủ đối lập đang tìm kiếm hành động pháp lý liên quan tới tính hợp pháp của Chính phủ tạm quyền hiện nay đang đẩy Thái Lan vào bất ổn.

Theo báo Bưu điện Bangkok (Bangkok Post), ngày 4/3 người biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) đã chuyển từ Pathumwan, Ratchaprasong và Asok đến công viên Lumpini, nơi hiện giờ được xem như cơ sở chính của lãnh đạo phe biểu tình chống Chính phủ, ông Suthep Thangsuban. Ngoài ra, các nhóm đồng minh của ông Suthep vẫn tiếp tục biểu tình tại một số địa điểm ở khu vực chung quanh Phủ Thủ tướng, Bộ Nội vụ và Trung tâm Hành chính quốc gia. 

bau%20cu%20thai%20lan.jpg
Liệu bầu cử ở Thái Lan có thành công? (Ảnh: AP)

Phát biểu tại công viên Lumpini, ông Suthep cho biết việc rút khỏi 3 địa điểm trên không có nghĩa là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân đồng ý rút lui mà đây chỉ là sự điểu chỉnh chiến lược và các doanh nghiệp liên quan đến gia đình Shinawatra sẽ tiếp tục là mục tiêu của người biểu tình.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự xuống thang của ông Suthep cho thấy phe biểu tình hoặc đang "đuối sức", hoặc đang chuẩn bị cho một cuộc leo thang mới. Ông Amon Wanichwiwatana - một nhà phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn cho biết: "Đó là chiến lược của ông Suthep. Một mặt, các hoạt động kinh doanh và giao thông công cộng bị ảnh hưởng do các cuộc biểu tình, khi kết thúc chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” sẽ làm giảm áp lực dư luận. Mặc khác, những người biểu tình có thể kiểm soát tình hình chung của các cuộc biểu tình. Khi cần thiết, họ có thể tổ chức một cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn khác".

Trong một diễn biến có thể làm căng thẳng tình hình tại Thái Lan, ngày 4/3, đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan cho biết, họ đang lên kế hoạch nhằm tìm kiếm một phán quyết của tòa án liên quan tới tính hợp pháp của Chính phủ tạm quyền hiện nay. Cuộc bầu cử ngày 2/2 đã không hội đủ 500 ghế tại Hạ viện bởi còn 28 khu vực bầu cử không có ứng cử viên đăng ký. Hiến pháp Thái Lan cũng quy định phải có ít nhất 95% số nghị sỹ (475 người) thì mới triệu tập được phiên họp toàn thể đầu tiên.

Đến thời điểm này đã qua thời hạn 30 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2, nhưng Quốc hội vẫn chưa tổ chức được phiên họp đầu tiên để bắt đầu tiến trình thành lập một Chính phủ mới. Theo đó, Đảng đối lập Dân chủ cho biết yêu cầu tòa tuyên Chính phủ của bà Yingluck không còn quyền hạn theo hiến pháp. Một nhóm các nghị sĩ thuộc cánh tả cũng có động thái tương tự với Tòa hiến pháp nhằm loại bà Yingluck khỏi chiếc ghế Thủ tướng.

Khi rơi vào tình trạng “vô Chính phủ”, theo hiến pháp, nhà vua sẽ chọn Thủ tướng tạm thời không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào để thay thế trong vòng 2 năm và để tổ chức bầu cử mới. Giới phân tích nhận định tình trạng “vô Chính phủ” là thời kỳ đáng lo ngại nhất của Thái Lan, vì không ai có quyền lực để điều hành đất nước cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh.

Giới phân tích còn bi quan khi dự đoán rằng tình trạng “vô Chính phủ” sẽ bắt đầu từ tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 7 năm nay nếu bầu cử thất bại như nhận định và sẽ để lại hậu quả khó khắc phục về mặt chính trị và kinh tế cho Thái Lan. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước lo lắng môi trường kinh doanh của Thái Lan sẽ bất ổn khi rơi vào tình trạng “vô Chính phủ”.

Phản ứng về kế hoạch của đảng Dân chủ, đảng Vì nước Thái cho rằng việc bà Yingluckcùng Chính phủ tạm quyền vẫn tiếp tục nắm quyền sau thời hạn 30 ngày là bình thường. Đảng này dẫn điều 181 của hiến pháp quy định Hội đồng Bộ trưởng mãn nhiệm sẽ vẫn tạm thời thực hiện nhiệm vụ cho tới khi một Hội đồng Bộ trưởng mới nhậm chức.

Ngày 4/3, Thủ tướng tạm quyền Yingluck cũng đã bác bỏ đề xuất phân chia đất nước thành 2 miền Bắc, Nam theo đề xuất của những người ủng hộ bà. Chủ trì cuộc họp với Hội đồng quốc phòng ngày 4/3, Thủ tướng tạm quyền Yingluck khẳng định, bà sẽ làm mọi biện pháp để ngăn chặn những ý tưởng như vậy. Bà Yingluck nói: "Tôi khẳng định rằng, chúng tôi sẽ giúp đỡ lẫn nhau và làm tất cả mọi việc để ngăn chặn sự phân chia đất nước. Đây là những gì tôi luôn nhấn mạnh. Chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau trong việc khôi phục hòa bình và đoàn kết trong xã hội”.

Quan sát diễn biến trên chính trường Thái Lan thời gian qua, giới phân tích nhận định, Chính phủ Thái Lan bị suy yếu, nhưng phe biểu tình cũng không đạt được mục tiêu đã đề ra. Do đó, dù kịch bản nào xảy ra thì chính trường Thái Lan còn tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, lôi kéo sự tham gia của các tầng lớp dân sự - xã hội trong một hành trình mà cải cách hệ thống chính trị chưa được xác định./.