Trong cuộc họp trực tuyến với sở lao động của 18 tỉnh gần đây, Phó Bí thư Thường trực Bộ Lao động Thái Lan Suvit Sumala nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách quản lý của lao động nhập cư.
Ông Suvit cho biết, Bộ Lao động đang soạn thảo một lộ trình cải cách quản lý người lao động nhập cư, đồng thời muốn tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong việc nhập khẩu lao động thông qua biên bản ghi nhớ (MOU).
Lao động Campuchia tại Thái Lan. Ảnh Reuters
Chính phủ Thái Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ song phương với Campuchia, Lào và Myanmar nhằm quản lý lao động di cư xuyên biên giới, vấn đề buôn bán người lao động nhập cư, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em ở Thái Lan.
Đây là một bước tiến lớn trong việc giải quyết vấn đề lao động và buôn bán người. Vấn đề lao động cưỡng bức và buôn người có liên quan chặt chẽ với lao động nhập cư, vì một số lao động nhập cư bất hợp pháp có nguy cơ là nạn nhân của nạn buôn người.
Hiện nay, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh quá trình xác minh quốc tịch cho người lao động di cư; triển khai chương trình quản lý lao động nhập cư không có giấy tờ thông qua việc tổ chức đăng ký cấp phép lao động cho họ. Điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khai thác lao động nhập cư một cách có hệ thống.
Những người đăng ký đủ điều kiện, sẽ được phép làm việc và sinh sống tạm thời ở Thái Lan, với quyền tiếp cận các lợi ích an sinh và y tế xã hội. Tất cả các lao động nhập cư được hưởng sự bảo vệ bình đẳng theo pháp luật lao động Thái Lan bao gồm Đạo luật Quan hệ Lao động năm 1975 và Luật Bảo hộ lao động năm 1998./.