Chiều nay (28/1), Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ có cuộc gặp với đại diện của Ủy ban bầu cử Thái Lan để thảo luận việc có nên hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới hay không.

Thủ tướng Thái Lan hiện vẫn khẳng định muốn tiến hành cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch và đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

thai_copy.jpg
Một người đi bầu cử sớm phản ứng với những người biểu tình chống Chính phủ (Ảnh Reuters)

Tuy nhiên, một số quan chức bầu cử cho rằng, tình hình hiện nay sẽ không tạo điều kiện cho phép tiến hành một cuộc bỏ phiếu đáng tin cậy và nên hoãn bầu cử 6 tháng.

Ủy ban Bầu cử cho rằng có khoảng 440.000 người không thể đi bỏ phiếu trước cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Somchai Srisuthiyakorn cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng Yingluck ngày hôm nay (28/1), Ủy ban Bầu cử sẽ đề xuất hoãn 6 tháng cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

Theo ông Somchai, 6 tháng là thời gian đủ dài để một Chính phủ tạm quyền giải quyết tình hình, tránh tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại các điểm bỏ phiếu, nhất là ở thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam.

Ông Somchai cũng cho rằng, cuộc bầu cử cần được bắt đầu lại từ đầu, và các kết quả trong cuộc bỏ phiếu sớm ngày 26/1 sẽ bị hủy.

“Nếu Thủ tướng quyết tâm tổ chức bầu cử vào ngày mùng 2/2, khi đó chúng tôi sẽ tổ chức. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ có xung đột và bất ổn và kết quả sẽ không cho phép thành lập Quốc hội trong một khoảng thời gian”, ông Somchai tuyên bố.

Tuy nhiên, Đảng Pheu Thái cầm quyền đã kêu gọi tiếp tục tiến hành tổng tuyển cử đúng như kế hoạch.

Chủ tịch Đảng vì nước Thái Jarupong Ruangsuwan phản đối việc hoãn cuộc bầu cử này, đồng thời tố cáo Ủy ban Bầu cử không làm hết trách nhiệm để đảm bảo bầu cử diễn ra tốt đẹp.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là diễn ra cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch. Các vấn đề hậu cần cũng là mối lo lớn khi những người biểu tình tiếp tục kế hoạch chiếm đóng Bangkok.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 27/1 tuyên bố không thương lượng với Chính phủ tạm quyền về việc ngừng phong tỏa các Bộ và cơ quan nhà nước.

Hiện, người biểu tình đã phong tỏa trụ sở 7 Bộ lớn tại thủ đô, và buộc nhiều Bộ và các cơ quan khác như Ngân hàng trung ương phải đóng cửa.

Ông Suthep thậm chí dọa sẽ lại "chiếm đóng mọi ngả đường" tới các điểm bỏ phiếu trong ngày 2/2 tới.

“Chúng tôi sẽ không đàm phán với Chính phủ ở tất cả các giai đoạn. Đừng phí thời gian tiếp xúc với chúng tôi”, ông Suthep nói.

Tuy nhiên, câu hỏi hiện giờ cũng phụ thuộc nhiều vào chính những thành viên của Ủy ban Bầu cử. Bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp và các biện pháp tăng cường an ninh của chính phủ đã được ban bố, cuộc bầu cử sớm ngày 26/1 ở Thái Lan đã diễn ra trong sự hỗn loạn khi phong trào biểu tình chống chính phủ phong tỏa các khu vực bầu cử, khiến nhiều nơi phải hủy bỏ việc bỏ phiếu.

Theo một số chuyên gia bầu cử, Ủy ban bầu cử Thái Lan nên chủ động giải quyết những khó khăn và hợp tác với chính phủ hơn là ngăn cản.

Một cựu thành viên Ủy ban Bầu cử bà Sodsri Satayathum cho biết: “Ủy ban Bầu cử có nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc bầu cử chứ không phải kêu gọi hoãn nó. Họ phải làm bất cứ điều gì để cuộc bầu cử diễn ra”.

Quân đội Thái Lan ngày 27/1 cũng bác bỏ kêu gọi của ông Suthep bảo vệ người biểu tình. Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan Winthai Suvari cho biết, quân đội không thể thành lập một đơn vị đặc nhiệm để giúp bảo vệ những người biểu tình theo yêu cầu của Thủ lĩnh biểu tình. Bất cứ hoạt động nào của quân đội phải tuân chặt chẽ theo luật, đặc biệt là tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.

Trong một động thái gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan hôm nay (28/1) có cuộc họp để tiến hành điều tra chương trình trợ giá gạo của Thủ tướng Yingluck.

Theo Ủy ban này, họ sẽ điều tra về cáo buộc bà Yingluck thiếu tinh thần trách nhiệm xung quanh một cuộc tranh cãi về chương trình trợ giá cho các nông dân trồng lúa./.