Vào lúc 8h sáng 2/2 (theo giờ địa phương), bất chấp những người biểu tình chống chính phủ gây sức ép khiến hơn 10% điểm bỏ phiếu phải đóng cửa, cuộc bầu cử Thái Lan vẫn diễn ra ở 65 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, bất luận kết quả có như thế nào thì cuộc bầu của lần này đều có thể là nguyên nhân đẩy đất nước Thái Lan tới những hỗn loạn và chia rẽ sâu sắc hơn.

thai1.jpg
Liệu những lá phiếu này có làm cho tình hình Thái Lan ổn định (Ảnh: Reuters)

Đúng như dự đoán, các cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầy khó khăn. Mặc dù an ninh đã được thắt chặt với hơn 130.000 nhân viên an ninh triển khai trên khắp cả nước, trong đó riêng thủ đô Bangkok có tới 12.000 người, nhưng các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn diễn ra ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là tại thủ đô Bangkok  và các tỉnh miền nam. Theo các hãng tin, những người biểu tình đã ngăn chặn việc bỏ phiếu ở khắp 12 tỉnh phía Nam Thái Lan và ít nhất 3 quận ở Bangkok. Họ ngăn cản các đơn vị bầu cử phát phiếu bầu và thùng bỏ phiếu đến các điểm bỏ phiếu khiến nhiều điểm bỏ phiếu phải đóng cửa.

Bà Laksana Rojthamrong, Quận trưởng quận Ratchathewi, một trong 3 quận ở Bangkok không thể tiến hành bỏ phiếu cho biết: “Lúc 5h sáng nay, 86 nhân viên cảnh sát đã không thể tiếp cận văn phòng chính quyền quận và các quan chức của ủy ban bầu cử cũng không thể đến đây để phân phối phiếu bầu cũng như các hòm phiếu”.

Ở nhiều tỉnh thành, các cuộc ẩu đả cũng đã diễn ra giữa cảnh sát và những người biểu tình. Ít nhất có 8 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát trong ngày hôm nay tại một số địa điểm ở thủ đô Bangkok.

Mặc dù vậy, Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck đến lúc này cho thấy vẫn không sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình chống chính phủ.

Chính trị gia của Đảng dân tộc Thái Chuwit Kamolvisit cho rằng, các cuộc biểu tình ngăn chặn bầu cử chỉ khiến cho đất nước thêm bất ổn: “Những người biểu tình đã không sử dụng một hệ thống dân chủ. Nếu cứ tiếp diễn, đất nước sẽ chỉ là những cuộc biểu tình triền miên. Tôi tin rằng bỏ phiếu đi bầu cử là giải pháp cho hòa bình hòa bình. Cách mà ông Suthep làm hiện nay là không thể chấp nhận được ".

                                                                
Bất chấp các cuộc biểu tình, cuộc bầu cử vẫn được diễn ra ở 65 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Ở các tỉnh miền Đông và miền Bắc, số đông cử tri đã đi bầu cử để biểu lộ sự ủng hộ đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Một số cử tri Thái Lan bày tỏ: “Đây là thời điểm đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc. Chúng tôi cần phải làm gì đó để thay đổi tình trạng này”.

Các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 3h chiều 2/2 (theo giờ địa phương), cũng tức là 3h chiều nay theo giờ Hà Nội, song kết quả của cuộc bầu cử sẽ không được thông báo trong ngày 2/1. Theo nhận định của các nhà quan sát, liên minh cầm quyền của bà Yingluck có thể vẫn nhận được kết quả quá 50% số phiếu bầu. Tuy nhiên, kết quả này cũng không giúp Thái Lan ổn định hơn. Với việc phong tỏa của những người biểu tình trước đó, ít nhất 28 đơn vị bầu cử không có ứng cử viên.  

Điều này có nghĩa là, trong tổng số 500 ghế Hạ viện theo luật định, sẽ thiếu vắng ít nhất 28 Hạ nghị sĩ. Như vậy Hạ viện mới chưa thể đi vào hoạt động và Chính phủ mới tất yếu chưa thể được lập ra. Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói rằng sẽ tổ chức các cuộc bầu cử phụ cho đến khi tất cả các ghế Quốc hội được bầu ra và có thể mất tới 6 tháng.

Theo giới phân tích thì điều này sẽ dẫn đến Thái Lan có một Chính phủ mà không thể thông qua luật hay ngân sách. Đó còn chưa kể, phe đối lập của Thái Lan đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử và tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình chống chính phủ chừng nào có thể.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bắt đầu kể từ khi cựu Thủ tướng Thakshin bị lật đổ năm 2006. Từ thời điểm đó đến nay, sự chia rẽ xã hội Thái Lan chưa khi nào được hàn gắn. Các đảng phái ở Thái Lan thay nhau cầm quyền nhưng hầu hết chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Mấu chốt của những mâu thuẫn là những lợi ích nhóm, lợi ích phe phái.

Chừng nào những lợi ích đó vẫn đặt lên trên lợi ích dân tộc thì tương lai của Thái Lan vẫn còn bấp bênh. Thậm chí, ngay cả khi cuộc bầu cử lần này được tiến hành và mang đến một kết quả nào đó cũng không thể mang lại một sự ổn định cho Thái Lan chừng nào các lực lượng chống đối Chính phủ không có những nhân nhượng để ngồi vào bàn đàm phán./.