Thái Lan bắt đầu tiến trình soạn thảo bản Hiến pháp chính thức và là bản Hiến pháp thứ 20 của nước này để thay thế cho bản Hiến pháp tạm thời đang sử dụng hiện nay vốn được lập ra sau cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua.
Phát biểu về việc soạn thảo Hiến pháp này, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan, ông Bowonsak Uwanno mới đây khẳng định, các thành viên soạn thảo không bị sức ép của các bên trong việc xây dựng nội dung dự thảo Hiến pháp và dự kiến dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình lên để Hội đồng lập pháp quốc gia (tức Quốc hội lâm thời) xem xét thông qua vào ngày 6/8/2015.
Phát biểu trong cuộc hội thảo về xây dựng hiến pháp hôm 8/11, ông Bowonsak bày tỏ quan điểm cho rằng, việc xây dựng bản Hiến pháp mới không nên dựa theo hai bản Hiến pháp chính thức của Thái Lan gần đây nhất là Hiến pháp năm 2007 và năm 1997. Ngoài ra Thủ tướng và Nội các cũng không nên hình thành từ một cuộc bầu cử trực tiếp.
Sau khi thực hiện cuộc đảo chính hôm 22/5 vừa qua, Đại tướng Prayuth Chan-ocha được bầu chọn làm Thủ tướng lâm thời tại Thái Lan đã đưa ra lộ trình cải cách đất nước gồm 3 giai đoạn, trong đó việc hình thành một Hiến pháp chính thức được coi là điểm cuối của giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là tổng tuyển cử nhằm thành lập một chính phủ dân bầu.
Gần 10 cuộc thăm dò dư luận sau đảo chính từ khi ông Prayuth được Hội đồng lập pháp (tức Quốc hội lâm thời) bầu chọn làm Thủ tướng đến nay cho thấy, uy tín của ông Prayuth liên tiếp ở mức cao với hơn 50% số người dân được hỏi đều cho câu trả lời là hài lòng với các hoạt động điều hành đất nước.
Mới đây nhất, trong cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 8/11 đối với lãnh đạo của 626 cộng đồng cư dân do trung tâm thăm dò Master công bố cho thấy, 88% số người được hỏi hài lòng với sự điều hành đất nước của chính phủ do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu./.