Hôm nay, 4/9, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho biết sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân gia tăng hàm lượng phóng xạ xung quanh các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ của nhà máy.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, ông Masayuki Ono, Tổng giám đốc bộ phận điện hạt nhân của nhà máy Fukushima nói: “Với tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục phải điều tra về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bất thường lượng phóng xạ tại nhà máy trong thời gian qua.”

ro-ri-hat-nhan.jpg
Quan chức chính phủ và các chuyên gia hạt nhân kiểm tra công trường xây dựng để ngăn chặn sự rò rỉ nước bị ô nhiễm ra biển, tại nhà máy hạt nhân Fukushima vào ngày 6/8 (Ảnh: AFP)

Theo thông số đo đạc tại các khu vực gần bồn chứa, lượng phóng xạ tại đây hiện có mật độ khoảng 2.200 millisieverts (mSv). Trước đó, cuối tuần qua, chỉ số này là 1.800 millisieverts. Trong khi, cả hai chỉ số này theo đánh giá của giới chuyên gia đã đủ để giết chết một người nếu bị phơi nhiễm trong 4 giờ đồng hồ.

Công ty Điện lực Tokyo đang phải xử lý một lượng lớn nước nhiễm xạ sau khi sử dụng nước để làm nguội các lò phản ứng bị phá hủy. Bất cứ ai tiếp xúc với lượng nước nhiễm xạ này trong vòng một giờ sẽ bị phơi nhiễm một lượng phóng xạ tương đương với lượng mà một công nhân nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản được phép tiếp xúc trong 5 năm.

Mức độ phóng xạ gia tăng tại nhà máy Fukushima đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Trong một tuyên bố, chính phủ Nhật Bản hôm 3/9 cho biết sẽ chi khoảng 47 tỷ Yen, tương đương hơn 473 triệu USD để giải quyết sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong đó huy động nguồn ngân sách dự phòng trị giá 21 tỉ Yen trong ngân sách năm 2013, sẽ bao gồm phong tỏa khu đất xung quanh các tòa nhà chứa lò phản ứng để ngăn nước ngầm xâm nhập.

Các nhà khoa học muốn đưa chất làm lạnh đặc biệt qua các đường ống dưới lòng đất để tạo ra một "bức tường băng" có thể dài khoảng 1,4 km nhằm ngăn dòng chảy của nước ngầm. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ cấp vốn cho dự án nâng cấp hệ thống khử phóng xạ tại nhà máy Fukushima.

Việc Chính phủ Nhật Bản sử dụng nguồn ngân sách dự phòng được cho là biện pháp cần thiết trong tình huống có tính kỹ thuật khẩn cấp. Biện pháp tài chính này cũng được cho là thiết yếu để xử lý vấn đề nguồn nước đang ngày càng bị nhiễm xạ cao và thể hiện trách nhiệm của chính phủ trong việc dốc toàn lực xử lý vấn đề này./.