Hơn hai năm sau thảm họa động đất, sóng thần, khủng hoảng hạt nhân lại là vấn đề “nóng” ở Nhật Bản khi xảy ra vụ rò rỉ 300 tấn nước phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Trước diễn biến này, Cơ quan Giám sát hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã phải nâng mức cảnh báo nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 từ mức 1 (mức bất thường) lên mức 3 (mức nguy hiểm) trong thang cảnh báo 7 mức theo quy định quốc tế. Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất về nguy cơ hạt nhân được Nhật Bản đưa ra trong vòng 2 năm qua.

ro-ri-hat-nhan.jpg
Quan chức chính phủ và các chuyên gia hạt nhân kiểm tra công trường xây dựng để ngăn chặn sự rò rỉ nước bị ô nhiễm ra biển, tại nhà máy hạt nhân Fukushima vào ngày 6/8 (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/8, các quan chức của Cơ quan Giám sát hạt nhân Nhật Bản cho biết, quyết định nâng mức cảnh báo nguy hiểm được đưa ra  khi hôm 20/8, 300 tấn nước chứa phóng xạ đã rò rỉ khỏi một bồn chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và sự cố vẫn chưa được khắc phục.

Ông Shunichi Tanaka - Chủ tịch Cơ quan Giám sát hạt nhân Nhật Bản cho biết, cơ quan này sẽ thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) vụ việc trên và xin tham vấn về mức độ chính xác trong đánh giá của mình.

Cơ quan Giám sát hạt nhân Nhật Bản cũng lo ngại về việc thảm họa vượt quá khả năng của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị quản lý Nhà máy Fukushima. Ông Tanaka thúc giục TEPCO thúc đẩy giám sát rò rỉ và có những biện pháp phòng ngừa.

“Chúng ta đang ở trong tình huống không được lãng phí thời gian.Điều quan trọng bây giờ là giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn thảm họa hạt nhân diễn biến nghiêm trọng hơn hoặc gây ra các ca tử vong mới", ông Tanaka nói.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 21/8, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, chính phủ sẽ nỗ lực để sớm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ vào nguồn nước.

Trước đó, ngày 20/8, Công ty Điện lực Tokyo cho biết khoảng 300 tấn nước nhiễm xạ với mức độ phóng xạ cao đang rò rỉ tại một bể chứa ở nhà máy điện Fukushima 1. Sự rò rỉ này có thể khiến một người đứng gần nơi nhiễm xa khoảng 50cm trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể bị nhiễm lượng phóng xạ gấp 5 lần so với giới hạn trung bình đối với nhân viên hạt nhân trong 1 năm.

Vụ rò rỉ này cũng làm gia tăng quan ngại khả năng bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới trong lúc những “rắc rối cũ” vẫn chưa được giải quyết, hàng chục ngàn người sơ tán vẫn chưa thể trở về nhà.  

Đầu tháng 8 này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả đất nước Đông Bắc Á này đối mặt với tình trạng khẩn cấp trong “cuộc chiến” chống nước nhiễm phóng xạ chảy ra đại dương.

Trong khi đó, phản ứng trước những diễn biến mới nhất về vụ rò rỉ nước phóng xạ hạt nhân tại Nhật Bản, Trung Quốc bày tỏ lo ngại trước thông tin Fukushima vẫn còn tình trạng nước nhiễm phóng xạ mặc dù thảm họa đã xảy ra cách đây 2 năm. Bắc Kinh thúc giục Tokyo cung cấp thông tin “kịp thời và kỹ lưỡng”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng Nhật Bản có thể có các bước hiệu quả để kết thúc tác động tiêu cực của thảm họa hạt nhân Fukushima. Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu Chính phủ Nhật Bản công khai giải thích các biện pháp ngăn chặn phóng xạ từ Nhà máy Fukushima 1 rò rỉ ra Thái Bình Dương và đe dọa các ngư trường trong khu vực./.