Người phát ngôn của Taliban Bilal Karimi tuyên bố, Taliban đã chiếm được 8 quận, huyện của Panjshir và tiến được vào thủ phủ Bazarak, thu giữ được một lượng lớn vũ khí và đạn dược lớn; song giao tranh đang diễn ra tại khu vực này.
Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng phản kháng Fahim Dashti đã bác bỏ thông tin, cho rằng “cỗ máy tuyên truyền” của Taliban đang cố gắng phát tán những thông tin đánh lạc hướng. Ông cho biết, các lực lượng phản kháng đang tiếp tục phòng thủ trước các cuộc tấn công của Taliban. Dẫu vậy, theo một số nguồn tin, người phát ngôn này được thông báo là đã thiệt mạng ngay sau đó trong 1 cuộc tấn công của Taliban.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu lực lượng phản kháng Ahmad Massoud cũng tuyên bố, hàng trăm chiến binh Taliban đã đầu hàng họ, sau khi bị bao vây, phục kích tại Panjshir. Hiện cả 2 bên đều tuyên bố gây thương vong lớn cho đối thủ.
Giữa lúc chiến sự căng thẳng, hôm qua, người đứng đầu lực lượng phản kháng Ahmad Massoud bất ngờ nhắc lại tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Taliban. Trong 1 tuyên bố bằng tiếng Anh được đăng tải trên Facebook cá nhân, ông Ahmad Massoud đã đề cập tới đề xuất của giới học giả Hồi giáo về một thỏa thuận chấm dứt xung đột. Ông cho biết, lực lượng phản kháng ủng hộ đề xuất này và sẵn sàng chấm dứt xung đột ngay lập tức để đạt được hòa bình lâu dài, nếu Taliban ngừng các cuộc tấn công quân sự tại Panjshir và một huyện khác của tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể được Taliban chấp thuận, nếu Taliban thực sự đã tiến được vào thủ phủ của tỉnh Panjshir.
Chiến sự căng thẳng tại Panjshir là một phần lý do khiến Taliban chưa công bố chính phủ mới – điều mà lực lượng này từng hi vọng diễn ra vào ngày 4/9 vừa qua. Theo người phát ngôn Taliban, Suhail Shaheen, Taliban đã đàm phán xong với giới học giả tôn giáo và các chính trị gia về việc thành lập chính phủ mới; đồng thời bác bỏ mọi nghi ngờ trong nội bộ Taliban đang xảy ra bất đồng giữa các nhân vật chủ chốt. Ông khẳng định, chính phủ mới có thể được công bố bất kỳ lúc nào.
Hiện quốc tế đang rất muốn đối thoại với Chính phủ tương lai của Afghanistan, đặc biệt là việc sơ tán công dân và người Afghanistan có nguyện vọng rời đi. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi phải nói chuyện với Taliban vì bây giờ họ là những người nắm quyền lãnh đạo tại Afghanistan. Chúng tôi muốn đưa những người từng làm việc cho Đức rời đi. Chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức viện trợ quốc tế mà Đức hỗ trợ; giúp cải thiện tình hình nhân đạo tại Afghanistan. Đang có hạn hán, đói kém ở đó”.
Cũng trong ngày hôm qua, người đồng sáng lập tổ chức Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã có cuộc gặp Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp - Martin Griffiths ở thủ đô Kabul. Tại cuộc gặp, Liên Hợp Quốc đã đồng ý duy trì và đẩy mạnh các hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Taliban cam kết sẽ hợp tác và cung cấp các phương tiện cần thiết, để Liên Hợp Quốc thực hiện công việc này. Dự kiến, ngày 13/9 tới, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một hội nghị kêu gọi viện trợ quốc tế cho Afghanistan – Quốc gia mà Tổng thư ký Antonio Guteres cho rằng có nguy cơ đối mặt với thảm họa nhân đạo./.