Các hoạt động chuẩn bị này được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh của họ đang cân nhắc thực hiện chiến dịch quân sự đa quốc gia nhằm vào Syria, với cáo buộc chính phủ Syria thực hiện tấn công vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đang được đặt trong tình trạng báo động cao để chuẩn bị cho khả năng bị tấn công quân sự. Ảnh: Kremlin Post |
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, từ đêm 9/4, binh sĩ Syria đã nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu kéo dài 72 giờ và đang củng cố hầm hào, công sự tại căn cứ. Truyền thông Syria cũng cho biết, lệnh cảnh báo cũng bao gồm tất cả các căn cứ và địa điểm quân sự tại tỉnh phía Nam Sweida, Aleppo, Latakia và Deir Az Zor.
Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi một tàu chiến Mỹ được thông báo rời Cộng hòa Síp đến hải phận Syria. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov tuyên bố, Nga sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa quân sự, ngoại giao và chính trị nếu Mỹ tiến hành tấn công Syria.
Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo, bất cứ tên lửa nào của Mỹ hướng vào Syria sẽ đều bị bắn hạ và nơi phóng tên lửa này sẽ bị tấn công đáp trả.
Sự chuẩn bị của Syria và các đồng minh được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể tấn công quân sự Syria với cáo buộc nước này tấn công vũ khí hóa học ở Đông Ghouta làm 70 người thiệt mạng. Một số quốc gia đang cân nhắc có tham gia vào một cuộc tấn công Syria hay không, nếu Mỹ phát động.
Mỹ ráo riết tham vấn đồng minh khả năng can thiệp quân sự vào Syria
Australia ngày 11/4 cho biết sẽ ủng hộ một cuộc không kích của Mỹ nếu xảy ra nhằm vào Syria. Ngoại trưởng Australia Julia Bishop khẳng định: “Australia lên án việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu. Tôi sẽ không có bình luận gì về chiến dịch quân sự của Mỹ. Tuy nhiên nếu Mỹ tiến hành một cuộc không kích để phản ứng đối với việc sử dụng vũ khí hóa học bất hợp pháp, Australia sẽ ủng hộ bất cứ hành động có mục tiêu, hợp lí và có tính toán cụ thể”.
Saudi Arabia cũng để ngỏ khả năng tham gia vào chiến dịch quân sự của Mỹ vào Syria, đồng thời cho biết một số nước đang tham vấn biện pháp phản ứng đối với vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria.
Mặc dù truyền thông phương Tây cho biết Mỹ, Anh và Pháp đang chuẩn bị cho các hành động quân sự nhằm vào Syria nhưng đến nay Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa khẳng định sẽ tham gia vào chiến dịch này, trong khi Pháp cho biết sẽ quyết định về việc liệu có không kích Syria trong những ngày sắp tới.
Thực tế quyết định có tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch quân sự đa quốc gia vào Syria sẽ là một lựa chọn khó khăn. Các nước đều hiểu rõ những hậu quả khôn lường trong chiến dịch quân sự tại Syria nếu được thực hiện, kéo theo sự đáp trả mạnh mẽ của Nga và một số đồng minh của Syria.
Mỹ lo ngại đòn gây nhiễu chiến thuật của quân đội Nga ở Syria
Thủ tướng Anh Theresa May cũng không thể tham gia chiến dịch quân sự tại Syria, nếu không nhận được sự ủng hộ của các Nghị sĩ. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nhằm tranh thủ sự ủng hộ cho một hành động quân sự tại Syria vào năm 2013 cũng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Với vai trò của Thủ tướng Theresa May hiện nay cũng sẽ khó tránh khỏi thất bại tương tự.
Ngoài ra, việc Mỹ kêu gọi phản ứng quân sự đa quốc gia vào Syria với cáo buộc chính phủ Syria tấn công vũ khí hóa học tại Douma cũng hoàn toàn chưa có bằng chứng xác thực. Chính phủ Syria hiện vẫn phủ nhận các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời cho biết đã mời chuyên gia của Tổ chức cấm vũ khí hóa học đến thăm địa điểm tại Douma. Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 10/4 bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc điều tra của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học.
Trong một diễn biến làm dấy lên lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng tại Syria khi Hải quân Mỹ mới đây đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Harry Truman tới Trung Đông. Cơ quan kiểm soát không lưu của Liên minh châu Âu (EU) Eurocontrol hôm qua đưa ra cảnh báo với các hãng hàng không "lưu ý" khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong vòng 72 giờ đồng hồ do có nguy cơ xảy ra không kích nhằm vào Syria./.
Sợ tên lửa, các hãng hàng không tránh không phận Syria