Trước khi cuộc họp bắt đầu, Đại sứ Nga và Mỹ tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia và Nikki Haley đã có màn chào hỏi thân thiết với những cái bắt tay và hôn má, tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi bên trong phòng họp khi 2 bên không ngừng chỉ trích nhau.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia (trái) và Đại sứ Mỹ (Nikki Haley) chào hỏi thân thiết trước cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 10/4/2018. Ảnh: PressTV. |
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Nebenzia khẳng định: “Mỹ đang một lần nữa cố gắng đánh lạc hướng và lừa dối cộng đồng quốc tế. Và điều này là một bước đối đầu không hơn không kém”.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo lên án vụ tấn công hóa học nghi ngờ do chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành hôm 7/4 tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta.
Với vụ việc lần này, Nga cho rằng lực lượng phiến quân đang cố tình khiêu khích để “cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự”. Phía Nga cảnh báo sự khiêu khích này là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng nhất: “Lại một “mưu đồ” nữa về tấn công vũ khí hóa học tại Douma. Trước đây, chúng tôi đã rất nhiều lần cảnh báo về những hành động khiêu kích nguy hiểm này”.
Trong bản dự thảo nghị quyết, Mỹ yêu cầu ngay lập tức cho phép các nhân viên hỗ trợ nhân đạo tiếp cận khu vực này và kêu gọi một cuộc điều tra về vụ tấn công.
“Khi mà người dân Douma và cả cộng đồng thế giới đang chờ đợi Hội đồng Bảo an hành động, thì một quốc gia lại đi ngược lại”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói.
Đáp trả, Đại sứ Nga Nebenzia cáo buộc dự thảo của Mỹ chỉ là cái cớ biện minh cho hành động chống Syria sắp tới.
“Chúng tôi dùng quyền phủ quyết để bảo vệ luật pháp quốc tế, để bảo đảm Hội đồng Bảo an sẽ không bị kéo vào cuộc phiêu lưu của các vị”, ông Nebenzia nói.
Trong khi đó, Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog đã gọi lá phiếu phủ quyết của Nga là “thảm kịch lặp lại”. Còn Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce nhấn mạnh, đây là lần thứ 6 Nga sử dụng lá phiếu phủ quyết của mình trong vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. Lần trước đó là vào tháng 11/2017, Nga đã không đồng ý khôi phục nhóm điều tra độc lập về vũ khí hóa học tại Syria.
Mỹ có những lựa chọn nào nếu tấn công Syria?
Song nói đi thì cũng phải nói lại, 7 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Mỹ, cũng từng bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết của Nga về thành lập một điều tra vũ khí hóa học Syria dưới sự giám sát của Hội đồng Bảo an.
Một nghị quyết thứ 2 của Nga nhằm ủng hộ Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thực hiện sứ mệnh làm rõ các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cũng không được thông qua.
Mỹ-Nga cùng phải trả giá đắt
Bà Haley dẫn thông tin từ các nhà hoạt động đối lập tại Syria cho biết, hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị phơi nhiễm trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma đang do phe nổi dậy kiểm soát tại Syria.
“Vũ khí hóa học một lần nữa đã được sử dụng nhằm vào người dân thường Syria, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Mỹ chắc chắn sẽ có hành động đáp trả”, bà Haley khẳng định.
Trong khi đó, khẳng định trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói rằng, không có cuộc tấn công vũ khí hoá học nào cả và Nga đã chuyển tới Mỹ thông điệp rằng: “Việc tấn công vào khu vực quân đội Nga được sự ủy nhiệm của một chính phủ hợp pháp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc cũng nhân cơ hội này phản công lại Mỹ khi nước này từ chối tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình. Đại sứ Syria Bashar Jaafari phát biểu trước Hội đồng Bảo an: “Mỹ đã từ chối và tiếp tục từ chối tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Nhưng Mỹ lại rao giảng về tiêu hủy vũ khí hóa học với các nước khác”./.