Theo Kênh Truyền hình quốc gia Syria, vụ đánh bom xảy ra tại khu vực al-Salamieh cũng đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất cho một bệnh viện quốc gia và nhiều tòa nhà gần đó.

danh-bom.jpg
Ước tính hơn 60.000 người Syria đã thiệt mạng sau hơn 22 tháng nội chiến và ít nhất 600.000 người khác phải tị nạn. (Hình ảnh vụ đánh bom hôm 21/1, ảnh: Reuters)

Kênh truyền hình Syria đã gọi vụ đánh bom này là vụ thảm sát kinh hoàng, đồng thời kêu gọi người dân Syria hiến máu để cứu những người bị thương. Hiện chưa có ai tuyên bố chịu trách nhiệm về những vụ đánh bom mới nhất này.

Trong khi đó, cùng ngày, tại thủ đô Damascus, một thiết bị kích nổ bất ngờ phát nổ tại quận Mushru Dummar gây thiệt hại  lớn về vật chất.

Tình hình bạo lực Syria đang bất ổn nên cũng trong ngày 21/1, nhà chức trách Nga đã đưa 2 máy bay tới Lebanon, bắt đầu sơ tán công dân Nga khỏi Syria.

Theo nguồn tin quan chức Nga, khoảng 100 trong số 10.000 công dân Syria đang sinh sống tại Syria sẽ được đưa theo đường bộ tới Lebanon và từ đây họ sẽ được đưa về Nga.

Theo nguồn tin, do giao tranh tại sân bay của thủ đô Damascus đang diễn biến ác liệt nên việc sử dụng con đường này để đưa công dân Nga về nước gặp khá nhiều khó khăn. Cũng theo nguồn tin, việc sơ tán khoảng 10.000 công dân Nga, chủ yếu là các phụ nữ Nga lấy chồng là người Syria cũng có thể được xúc tiến theo cả đường biển nếu cần thiết. Đây là đợt sơ tán công dân Nga bằng máy bay đầu tiên kể từ khi bạo lực bùng phát tại Syria kể từ tháng 3/2011.

Động thái của Nga diễn ra ngay sau khi các nhà hoạt động Syria bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng tại thị trấn Beit Sahm, gần sân bay quốc tế của thủ đô Damascus.

Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại về việc hỗ trợ nhân đạo tại Syria

Nội chiến kéo dài cho nên Syria phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Ngày 21/1, người quản lý Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), ông John Ging đã bày tỏ quan ngại về tình hình hỗ trợ nhân đạo tại Syria.

Theo ông John Ging, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại Syria là “vô cùng lớn” sau cuộc khủng hoảng và bạo lực kéo dài tại nước này dẫn đến việc hàng nghìn người dân Syria phải đi sơ tán trong và ngoài nước.

Ước tính hơn 60.000 người Syria đã thiệt mạng sau hơn 22 tháng nội chiến và ít nhất 600.000 người khác phải tị nạn. Hơn 2,5 triệu người cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế nhanh chóng tăng quy mô hỗ trợ nhân đạo đối với Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân chuyến thị sát Syria, ông John Ging nói: “Cộng đồng quốc tế mới chỉ tài trợ được 50% nhu cầu cần được hỗ trợ của người dân Syria. Đây là một điều hết sức đáng buồn bởi lẽ con số người cần được hỗ trợ tại Syria là rất lớn. Nhiều người dân Syria đang rất cần lương thực song không phải tất cả bọn họ đều nhận được cái mà họ cần. Chúng tôi muốn tái khởi động lại những nỗ lực hỗ trợ nhân đạo tại Syria”.

Ông John Ging cũng đồng thời kêu gọi các bên liên quan tại Syria tìm kiếm giải pháp chấm dứt bạo lực tại nước này. Ông nói: “Chúng tôi không có trách nhiệm  giải quyết xung đột tại Syria mà chính những người có liên quan trong diễn đàn chính trị tại Syria phải tìm ra một giải pháp. Đó là những người trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột. Họ cần ngồi lại với nhau, tìm ra những điều khoản nhằm chấm dứt xung đột”.

Phái đoàn hỗ trợ nhân đạo của LHQ gồm: UNICEF, Chương trình Lương thực và Chương trình Y tế Thế giới, Cơ quan điều phối nhân đạo cũng đã có cuộc gặp với các quan chức Syria tại thành phố Homs, Telbiseh và Deraa.

Phái đoàn LHQ cho biết, họ ấn tượng về cam kết chuyển hàng cứu trợ tới cho người dân của chính phủ Syria. LHQ hy vọng sẽ kêu gọi được khoản tiền trị giá 1,5 USD nhằm hỗ trợ Syria tại một hội nghị dự kiến diễn ra tại Kuwait vào ngày 30/1 tới./.