Trong đợt dịch bùng phát dịch do biến thể Omicron tính từ 19/12/2021 đến 19/2/2022, tỷ lệ nhập viện trẻ em tại Mỹ phải nhập viện đã gia tăng nhanh chóng, cao hơn gấp 5 lần so với đợt bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra trước đó, tính từ 27/6/2021 đến 18/12/2021.  

Tỷ lệ các ca nhập viện cần chăm sóc đặc biệt cũng tăng đáng kể ở trẻ nhỏ, chạm mức cao nhất vào ngày 8/1/2022.

Mặc dù tỷ lệ nhập viện ở trẻ em vẫn còn tương đối thấp so với người cao tuổi, song điều này vẫn mang tới nhiều rủi ro, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm gần một nửa số ca nhập viện ở trẻ em trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron. Vào lúc đỉnh điểm của làn sóng này, tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi cao gấp khoảng 6 lần so với mức đỉnh trong đợt dịch bùng phát do biến thể Delta.

"Những rủi ro đối với trẻ em dưới 1 tuổi là khá nghiêm trọng, đặc biệt là khi các ca bệnh gia tăng nhanh chóng và việc bổ sung các biện pháp phòng ngừa là cần thiết để giảm thiểu các khả năng lây nhiễm”, Tiến sĩ Julia Raifman, chuyên gia về luật, chính sách và quản lý y tế tại Trường Đại học Y tế Công cộng Boston cho biết.

Theo thống kê, có hơn 1.000 trẻ em dưới 18 tuổi đã chết vì Covid-19 kể từ đầu đại dịch, trong đó có 350 trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài hậu Covid-19 cũng như hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng.

Nghiên cứu của CDC cho thấy khoảng 2/3 trẻ em nhập viện đều có thể trạng khỏe mạnh trước đó và không mắc các bệnh lý tiềm ẩn.

Hiện vẫn chưa có vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng cho đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ. Do đó, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đặc biệt khuyến cáo những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ nên thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng./.