Quân đội Bangladesh ngày 10/5 cho biết, số người chết trong vụ sập nhà 8 tầng tại ngoại ô thủ đô Dhaka, đã lên tới hơn 1.000 người. Đây là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Bangladesh.

sap-nha-bangladesh.jpg
Các lực lượng vẫn đang tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát (Ảnh: Reuters)

Giới chức trách cho biết số nạn nhân sẽ còn tăng hơn nữa do đống đổ nát của tòa nhà vẫn chưa hoàn toàn được dỡ bỏ và khả năng còn thi thể là rất cao. Theo lực lượng cứu hộ, khoảng 2.500 người đã được cứu thoát trong vụ sập nhà này.

Cảnh sát đã bắt giữ chủ tòa nhà, cùng 11 người khác có liên quan tới vụ việc, trong đó bao gồm 4 chủ xưởng may đặt trong tòa nhà. Theo cảnh sát Bangladesh, những chủ xưởng này có thể bị kết tội giết người do cố tình lờ đi những cảnh báo an toàn.

Trong khi đó, nhiều công nhân ngành may mặc Bangladesh đã kéo xuống đường biểu tình, kêu gọi có hình phạt thích đáng với những người chịu trách nhiệm trực tiếp tới sự cố này, cũng như yêu cầu thắt chặt hơn nữa an toàn lao động.

Sau thảm họa sập tòa nhà Rana, công tác an toàn lao động được đề cao hơn, Bangladesh đồng ý với Tổ chức Lao động quốc tế xem xét, kiểm tra an toàn trong nhiều Công ty may. Người đứng đầu ngành công nghiệp dệt tại Bangladesh, ông Abdul Latif Siddique cho biết,  sau khi kiểm tra 4.500 cơ sở dệt, may, 18 công ty đã phải đóng cửa vì không đảm bảo điều kiện an toàn cho công nhân, trong đó 16 nhà máy tại Dhaka và 2 ở Chittagong. Ông Siddique khẳng định thêm, chính quyền Bangladesh đang cố gắng đảm bảo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế  và các nhà máy không chấp hành quy định xây dựng sẽ phải chịu phạt thích đáng./.