Theo Reuters, giới chức Fiji đang thống kê thiệt hại sau khi bão Winston - một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận ở Nam bán cầu - quét qua quốc đảo nằm ở nam Thái Bình Dương này, san phẳng nhiều ngôi làng và khiến ít nhất năm người thiệt mạng.
Hiện các báo cáo về thiệt hại vẫn đang được cập nhật từ các vùng xa xôi của đảo quốc gồm 300 hòn đảo bị siêu bão Winston với sức gió giật lên tới 315 km/giờ tàn phá vào cuối ngày 20/2.
Siêu bão Winston đã tàn phá quốc đảo Fiji vào cuối ngày 20/2. Ảnh: AP |
Gió giật mạnh và mưa xối xả kéo dài trong vài giờ đã xé toạc nhiều ngôi nhà, gây mất điện và gián đoạn liên lạc tại quốc đảo với khoảng 900.000 dân này. Tuy nhiên thủ đô Suva không bị ảnh hưởng bởi bão Winston đã chuyển hướng vào phút chót.
Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama đã lên tiếng xác nhận về số người thiệt mạng và cho biết các cơ quan chức năng đang khẩn trương đánh giá và khắc phục thiệt hại do bão Winston gây ra đối với các khu vực ven biển của nước này.
Cảnh sát và các lực lượng vũ trang đang khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ dù gặp nhiều khó khăn do cây đổ và đường điện bị bão giật đứt chặn đường. Hiện giới chức nước này cũng đang lo ngại về nguy cơ xảy ra lũ quét và sát lở đất sau khi bão đi qua.
Hiện Fiji đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày. Các trường học tạm thời đóng cửa. Lệnh giới nghiêm được ban bố trên toàn quốc kéo dài đến ngày 22/2. Một số khu vực cũng tạm thời bị cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo thống kê sơ bộ, một người đàn ông tại đảo Koro đã thiệt mạng khi mái nhà sập và đè trúng người. Theo báo cáo, tại một ngôi làng gần đó, 50 ngôi nhà đã bị bão phá hủy.
Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop cho biết, nước này đã cử một máy bay trinh sát P-3 Orion để thực hiện việc giám sát, đánh giá thiệt hại tại các hòn đảo và vùng sâu vùng xa tại Fiji.
Người dân đã được đưa đến 758 trung tâm sơ tán vào hôm 20/2 trước khi siêu bão Winston đổ bộ vào quốc đảo này. Khách du lịch cũng tập trung ở trong phòng khiêu vũ và phòng hội nghị của các khách sạn ở khu vực ven biển.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cho biết, một đội phản ứng khẩn cấp đang sẵn sàng được triển khai, tuy nhiên Thủ tướng Fiji vẫn chưa yêu cầu được trợ giúp.
Các hãng hàng không Fiji Airways, Virgin Australia và Jetstar hôm 20/2 đều hủy mọi chuyến bay đến các điểm nghỉ dưỡng tại Fiji, vốn là địa điểm yêu thích của du khách Australia và New Zealand./.