Hơn 70 nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ tự do cầm quyền tại Hàn Quốc và các đảng tiến bộ nhỏ mới đây đã ký một tuyên bố kêu gọi hoãn cuộc tập trận chung với Mỹ dự kiến vào tuần tới để tạo môi trường thuận lợi cho việc nối lại đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên. Theo Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Park Jie-won, Hàn Quốc nên cân nhắc triển khai một cách tiếp cận linh hoạt đối với những cuộc tập trận chung nhằm duy trì động lực đối thoại và theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Tờ Chosun Ilbo cho rằng, phát biểu của ông Park Jie-won phần nào phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hàn Quốc, song có thể khiến Mỹ “phật ý”, bởi Washington luôn khẳng định phải tiến hành những cuộc tập trận để đảm bảo khả năng tác chiến chung của quân đội hai nước. Những bình luận của người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đã khiến các nhà lập pháp đối lập giận dữ.
Triều Tiên luôn cho rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc gây bất ổn an ninh Bán đảo Triều Tiên và đe dọa chủ quyền của Bình Nhưỡng. Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong mới đây chỉ trích các cuộc tập trận phản ánh chính sách gây hấn của Washington, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ tăng cường hơn nữa năng lực phòng thủ và tấn công phủ đầu.
Phản ứng tức giận của Triều Tiên đối với các cuộc tập trận càng làm giảm hy vọng của Hàn Quốc về việc cải thiện quan hệ song phương, vốn đã tăng lên sau khi Triều Tiên đồng ý mở lại các kênh liên lạc bị đình trệ lâu nay với Hàn Quốc.
Theo Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong Joo, nước này sẽ nỗ lực để các cuộc tập trận chung không làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên: “Hàn Quốc đã cố gắng đưa ra cách tiếp cận, cũng như phản ứng linh hoạt để các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ không trở thành nguồn gốc gây ra căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên trong mọi trường hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì vấn đề này”.
Tới nay, cả Hàn Quốc và Mỹ đều chưa chính thức công bố chi tiết các cuộc tập trận. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nhiều lần bày tỏ mong muốn tổ chức một hội nghị Thượng đỉnh nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước khi rời nhiệm sở vào tháng 5 năm sau, cũng như khôi phục bầu không khí hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vốn đã được thiết lập sau 3 cuộc gặp Thượng đỉnh liên tiếp hồi năm 2018.
Tuy nhiên thách thức của nhà lãnh đạo Hàn Quốc là làm thế nào để không bị đẩy vào thế khó trong quan hệ với Mỹ. Bởi Washington có thể sẽ trì hoãn chuyển giao cho Seoul quyền chỉ huy tác chiến thời chiến với lý do không có các cuộc tập trận chính thức liên quan đến việc triển khai quân đội và thiết bị trên thực địa. Hơn nữa, hiện cũng không chắc chắn rằng liệu Mỹ có đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt trong khi Triều Tiên vẫn cho thấy tiếp tục theo đổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo hay không. Nói cách khác, quy mô và thời gian cuộc tập trận chung sắp tới sẽ là phép thử độ bền chặt của mối quan hệ liên minh truyền thống giữa Mỹ và Hàn Quốc./.