Chính phủ Tây Ban Nha hôm nay (19/9) lên tiếng hoan nghênh việc cử tri Scotland bỏ phiếu nói "Không" với việc tách ra độc lập khỏi vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hôm qua. Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng “thở phào nhẹ nhõm” vì cho rằng điều này đã ngăn chặn được một hiệu ứng Đôminô cho các khu vực muốn tách ra độc lập ở châu Âu song những cử tri xứ Catalan của Tây Ban Nha tuyên bố vẫn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đòi độc lập của họ.

Các tờ báo lớn và các đài phát thành truyền hình của Tây Ban Nha hôm nay đồng loạt đưa tin cử tri Scotland chọn ở lại vương quốc Anh. Người dân ở thủ đô Mađrít thở phào nhẹ nhõm bởi họ hy vọng kết quả này sẽ khiến những người Catalan đòi độc lập từ bỏ ý định tách ra khỏi Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, Quốc hội xứ Catalan dự kiến hôm nay vẫn thông qua luật bầu cử mới cho phép các nhà lãnh đạo khu vực này tiến hành “một cuộc trưng cầu ý kiến không mang tính ràng buộc pháp luật” về vấn đề độc lập. Người đứng đầu xứ Artur Mas sau đó dự kiến ký 1 sắc lệnh chính thức kêu gọi tổ chức bỏ phiếu về nền độc lập ngày 9/11 tới.

Chính phủ trung ương Tây Ban Nha tuyên bố sẽ ngăn cản những bước tiến này bằng cách đưa vấn đề đòi độc lập của xứ Catalan ra Tòa án Hiến pháp. Thủ tướng Mariano Rajoy cho rằng cuộc bỏ phiếu về nền độc lập của Catalan là phi pháp và thề sẽ bảo vệ sự đoàn kết của Tây Ban Nha.

Những người ủng hộ xứ Catalan độc lập thì lên án Chính phủ trung ương Tây Ban Nha khi đã không cho họ có cơ hội bỏ phiếu như người dân Scotland.

Tuy nhiên, cô Ana, một người dân thủ đô Madrid thì cho rằng: “Nếu có 1 cuộc bỏ phiếu thì nó phải bao gồm tất cả người dân Tây Ban Nha để chúng tôi cũng được góp phần quyết định sự đi hay ở của xứ Catalan. Chúng tôi có cái quyền đó.”

Tự hào với ngôn ngữ và văn hóa riêng của vùng Catalan, khoảng 7,5 triệu cư dân vùng này cảm thấy chính quyền ở Madrid thiếu quan tâm đến mong muốn của họ. Cụ thể, trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2012, Thủ tướng Rahoi đã từ chối yêu cầu của lãnh đạo xứ Catalan về việc trao cho họ quyền tự quyết thu chi thuế.

Giáo sư khoa học chính trị của trường đại học Pompeu Fabra Klaus-Jürgen Nagel nhận định: “Giờ đây đã không còn bế tắc ở Anh, con đường đã rõ ràng cho các cuộc đàm phán về quyền tự trị cao hơn. Nhưng bế tắc vẫn còn ở Catalan. Giờ đây có thể có sự thay đổi trong tỷ lệ người ủng hộ và phản đối độc lập ở Catalan nhưng quan điểm chính thức của chính phủ trung ương Tây Ban Nha và chính quyền xứ Catalan thì không đổi”./.