Tuyên bố đưa ra hôm 19/1 sau khi Iran thông báo sẽ nhận được 32 tỷ USD đầu tiên trong khối tài sản bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

ngoai_truong_saudi_vxjr.jpg
Ngoại trưởng Saudi Arabia. Ảnh: alarabiya.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Valiollah Seif cho biết, 28 tỷ USD sẽ được chuyển cho Ngân hàng Trung ương nước này, và 4 tỷ USD còn lại “sẽ được chuyển vào kho bạc nhà nước”. Theo ông Seif, khoản tiền trên sẽ được dùng vào việc “mua và nhập khẩu hàng hóa” và Ngân hàng Trung ương Iran dự định để khoản tiền này tại các tài khoản ở nước ngoài.

Những thông tin khá rõ ràng trên vẫn không khiến Saudi Arabia, quốc gia đối đầu lâu nay với Iran ở Trung Đông, cảm thấy an tâm. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubair cho rằng, việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran có thể là một diễn biến có hại cho khu vực nếu Iran sử dụng số tiền đó cho những “hoạt động bất chính”.

Ông nhấn mạnh, trên cấp độ quốc tế, việc Mỹ tiếp tục cam kết an ninh cho khu vực này chính là chìa khóa duy trì ổn định: “Nếu xảy ra trường hợp Mỹ từ chối hay rút khỏi đây, mối quan ngại của tất cả mọi người là điều đó sẽ để một khoảng trống và bất cứ khi nào có một khoảng trống thì các thế lực xấu sẽ len lỏi vào và chúng ta sẽ có một hệ thống bất ổn trên cấp độ toàn cầu, có thể dẫn đến những cuộc chiến để điều chỉnh lại trật tự.”

Được lãnh đạo bởi 2 dòng Hồi giáo có truyền thống đối nghịch là Sunni và Shiite, Saudi Arabia và Iran đang gián tiếp “vận hành” những “cỗ máy chiến tranh” tại Trung Đông khi mỗi nước ủng hộ các bên khác nhau trong những cuộc khủng hoảng nội chiến ở Syria và Yemen. Chính vì thế, đối với vấn đề hạt nhân Iran, Saudi Arabia luôn lo sợ đối thủ có thể tìm cách chế tạo được loại vũ khí có sức công phá ghê gớm này và trở nên vượt trội về hỏa lực, sức mạnh quân sự so với họ. 

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters hôm qua về việc liệu Saudi Arabia có thảo luận với Mỹ nhằm sở hữu một quả bom để đề phòng trường hợp Iran có thể chế tạo được loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này bất chấp thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 hay không, Ngoại trưởng Adel al-Jubair cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ không logic khi mong chờ chúng tôi thảo luận những vấn đề như thế này một cách công khai và tôi nghĩ sẽ không hợp lý khi mong chờ tôi trả lời câu hỏi đó theo cách này hay cách khác.”

Về mặt công khai, lâu nay, Saudi Arabia luôn hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran đi kèm với điều kiện phải có cơ chế thanh sát nghiêm ngặt và tái áp đặt các lệnh trừng phạt một cách nhanh chóng nếu Tehran vi phạm quy định. Nhưng đằng sau đó, các quan chức Saudi Arabia bày tỏ quan ngại rằng thỏa thuận này sẽ cho phép Iran có tiềm lực tài chính và quân sự để hậu thuẫn các nhóm vũ trang và các đồng minh khác ở khu vực.

Gần đây, căng thẳng giáo phái giữa 2 nước cũng đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột khi Saudi Arabia tử hình giáo sỹ nổi tiếng dòng Shi'ite Sheikh Nimr al-Nimr. Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm qua, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubair khẳng định, nước này sẽ không bao giờ đàm phán về 2 thứ, đó là “đức tin và an ninh”.

Bình luận về căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia thời gian gần đây, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua cho rằng, mối quan hệ giữa 2 quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông này sẽ không thể được cải thiện trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, ông cho rằng vẫn còn khả năng xây dựng lòng tin giữa 2 bên.

Trước đó, Chính phủ Pakistan hôm 18/1 đã kêu gọi thiết lập một đường dây liên lạc giữa Iran và Saudi Arabia. Pakistan có mối quan hệ tốt đẹp với cả 2 nước, do đó các nhà lãnh đạo chính trị và các nghị sĩ Pakistan đã kêu gọi Chính phủ nước này đứng ra làm trung gian hòa giải giữa 2 bên. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif vừa có chuyến thăm Saudi Arabia và hôm qua đã đến Iran để thúc đẩy tiến trình này./.