Theo tờ báo tiếng Anh Today’s Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ, vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công một phi cơ cường kích của Nga ở Syria không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow và Ankara mà còn làm tổn hại các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

erdogan_tho_nhi_ky_udrq.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP.

Nga đã có một căn cứ quân sự ở Gyumi, ở Armenia. Ngoài ra, Nga còn triển khai máy bay trực thăng chiến đấu Mi-24 và Mi-8 tới căn cứ quân sự của mình ở Erebuni gần Yerevan.

Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara có thể dựa vào Azerbaijan. Tuy nhiên, Azerbaijan cũng nằm trong vùng lợi ích của Nga.

Trong khi đó, việc mua khí đốt của Iran, Israel hay Ai Cập cũng sẽ là vấn đề.

Sau vụ Su-24 của Nga bị bắn hạ, Kyrgyzstan bắt đầu thảo luận việc hủy thỏa thuận miễn visa với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo bài báo trên tờ Today’s Zaman, số quốc gia có quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng lên. Đồng thời, có khả năng sự xa cách giữa Moscow và Ankara sẽ tiếp tục kể cả khi vụ bắn rơi Su-24 đã được giải quyết êm thấm.

Bài báo có đoạn: “Dựa trên các hành động của Nga và các tuyên bố của các nước liên kết với Nga, dường như các vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ phải nếm trải không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương với Moscow mà còn mở rộng ra cả quan hệ với các nước cộng hòa trong Liên Xô trước đây – các nước này vốn có quan hệ tốt với Ankara. Thậm chí một số nước Trung Á có mối quan hệ dân tộc với Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải điều chỉnh lại mối quan hệ với họ do sợ cơn thịnh nộ của Nga”.

Trong khi đó, Israel tuyên bố họ sẽ không sử dụng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để hòa giải với Ankara, đặc biệt là vào thời điểm mối quan hệ đối tác giữa Jerusalem và hai “kẻ thù lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ” – Hy Lạp và Síp, đang nở rộ.

Hơn nữa, Ai Cập, Hy Lạp và Síp đã đạt được một thỏa thuận thúc đẩy đàm phán để phân giới trên biển ở khu vực phía đông Địa Trung Hải.

Các cuộc đàm phán này nằm trong nỗ lực biến khu vực này thành một trung tâm khí tự nhiên ngoài khơi. Ba nước này cũng có một số dự án chung về đầu tư và du lịch.

Đến lượt mình, Nga và Síp đang tiến gần tới một thỏa thuận cho phép phi cơ quân sự Nga sử dụng các căn cứ Cypriot của Hy Lạp trong trường hợp khẩn cấp. Síp có thể cho phép Nga sử dụng sân bay của họ để sơ tán công dân Nga khỏi các nước láng giềng nếu cần thiết./.