Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ sau khi gần đây, Moscow chuyển giao cho Ankara hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 - một động thái khiến Mỹ cân nhắc đến việc trừng phạt bổ sung Thổ Nhĩ Kỳ.

thuongvus400_lakx.jpg
Máy bay Ilyushin Il-76 của Nga chuyển giao những phần cuối cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/7/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Theo đó, Nga đã "dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ" và làm mới một phần thỏa thuận thương mại không giới hạn vốn bị tạm dừng kể từ sự cố năm 2015. Mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đã leo thang căng thẳng hồi tháng 11/2015 khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, kể từ đó, mối quan hệ giữa 2 quốc gia này cũng được cải thiện dần lên, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lạnh nhạt với Mỹ và NATO. Ankara thậm chí phớt lờ các cảnh báo trừng phạt và các đe dọa hủy bỏ hợp đồng tiêm kích F-35 của Washington, sau khi nhận các trang thiết bị cuối cùng của hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hôm 25/7 theo một thỏa thuận mà nước này đã ký với Nga năm 2017.

Lầu Năm Góc và các quan chức Nhà Trắng đều kêu gọi đáp trả cứng rắn song Tổng thống Trump cho rằng sẽ thật "không công bằng" khi đổ lỗi cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về thương vụ này bởi khi đó cựu Tổng thống Barack Obama đã từ chối bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ankara. Ngày 24/7, các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Trump quá nhân nhượng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc họp kín với các nhà lập pháp trong khoảng 1 tiếng rưỡi, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Cramer nhận định với NBC News rằng Tổng thống Trump muốn xử lý vấn đề này "một cách linh động hơn".

Trong khi đó, ngày 25/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối bình luận về các thông báo trước đó của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham rằng Mỹ sẽ không áp thêm các lệnh trừng phạt mới lên Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara đưa hệ thống S-400 của Ngavào hoạt động.

"Chúng tôi muốn khẳng định rõ ràng với Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc đưa S-400 vào hoạt động là điều không thể chấp nhận được", ông Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Các bài báo đầu tiên về cuộc trao đổi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ chuyển giao hệ thống phòng thủ S-400 xuất hiện vào tháng 11/2016. Nga xác nhận hồi tháng 9/2017 rằng hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 2,5 tỷ USD này đã được ký kết. Theo hợp đồng, Nga sẽ chuyển hệ thống S-400 cũng như chuyển giao từng phần công nghệ sản xuất loại vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên mua hệ thống phòng thủ tên lửa này từ Nga. Việc chuyển giao S-400 tới Ankara bắt đầu từ ngày 12/7/2019.

S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa hiện đại nhất đi vào hoạt động của Nga vào năm 2017. Hệ thống này được thiết kế để phá hủy các chiến đấu cơ, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trong đó có cả các tên lửa tầm trung. Ngoài ra, S-400 có thể nhắm vào các mục tiêu ở khoảng cách 400km và ở độ cao lên tới 30km./.