Hôm nay (11/7), Hội nghị Thượng đỉnh NATO khai mạc tại Brussels, Bỉ. Dự kiến, trong 2 ngày họp, các nước sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc Tổng thống Donald Trump hối thúc các nước đồng minh tăng mức chi tiêu dành cho quốc phòng lên tối thiểu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2024 và một số chủ đề quan trọng khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tại Hội nghị Thượng đỉnh 2017. Ảnh: AP
Cuộc gặp diễn ra 2 năm một lần của các nhà lãnh đạo 29 quốc gia thành viên NATO thường được biết đến với các cuộc họp kéo dài hàng giờ, với những chủ đề khá truyền thống như “sáng kiến về tính sẵn sàng”, “cải cách cấu trúc”... Kết thúc cuộc họp sẽ là tuyên bố chung với các khẳng định về tầm quan trọng của sự gắn kết liên minh.
Tuy nhiên, hội nghị năm nay được cho là đầy những căng thẳng và bất ngờ. Theo một số nhà ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO với một thái độ kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình trong việc chia sẻ gánh nặng về ngân sách quốc phòng giữa các nước trong khối. Ông Donald Trump từ lâu đã có những tuyên bố chỉ trích NATO “lỗi thời”, đặc biệt phản ứng mạnh mẽ với các đóng góp không công bằng từ các nước thành viên trong khối.
Trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tuần qua, ông Trump còn sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn như “họ đang giết dần chúng ta” hay “Mỹ không thể mãi hào phóng trả cho mọi hóa đơn”. Tổng thống Mỹ thậm chí còn gửi thư cá nhân đến các nước thành viên NATO kêu gọi đóng góp nhiều tiền hơn.
Trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, ông cũng không quên nhắn nhủ: “Chúng tôi có nhiều đồng minh nhưng chúng tôi không được lợi vì điều này. Tuy nhiên các đồng minh đang được hưởng lợi từ Mỹ, ví dụ như Liên minh châu Âu. Chúng tôi thiệt hại 151 tỷ USD về thương mại. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ dành cho NATO rất lớn và thực tế điều này giúp họ nhiều hơn nước Mỹ”.
Những chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ cũng đang khiến các nước đồng minh châu Âu phật lòng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 10/7 cảnh báo, “nước Mỹ cần tôn trọng các đồng minh”, “Tiền rất quan trọng nhưng tạo ra sự đoàn kết thì quan trọng hơn”. Tuy nhiên, ông Donald Tusk cũng kêu gọi các nước châu Âu cần tăng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Bên cạnh vấn đề chi tiêu quốc phòng, mối quan hệ với Nga cũng được cho là điều đang gây chia rẽ đặc biệt giữa các nước thành viên NATO, khi Hội nghị NATO chỉ diễn ra vài ngày trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Bỉ tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Mặc dù không tuyên bố công khai nhưng liên minh quân sự NATO vẫn tồn tại chủ yếu là một hình thức để răn đe Nga. Giới ngoại giao lo ngại rằng, một hội nghị với những tranh cãi gay gắt có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm chứng minh sự đoàn kết trong việc đối phó mối đe dọa gia tăng ở sườn phía Đông của liên minh này, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ dự định gặp người đồng cấp Nga tại Helsinki vài ngày sau đó.
Hiện, có nhiều lo ngại tại các nước thành viên NATO rằng, Mỹ có thể đưa ra các quyết định như chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung NATO, dỡ bỏ trừng phạt Nga hay thậm chí giảm đóng góp của Mỹ với NATO để cải thiện mối quan hệ với Nga. Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg ngày 10/7 tuyên bố ủng hộ các cuộc đối thoại, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước NATO.
“Tôi nghĩ là điều đúng đắn khi Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Nga. Tôi tin tưởng rằng cuộc gặp rất quan trọng bởi vì đối thoại là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bất cứ biện pháp nào giúp giảm căng thẳng chúng tôi cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng là NATO cần phải đoàn kết”, Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh.
Trước những bất đồng và nghi kỵ đang gia tăng giữa các nước thành viên, khiến giới quan sát bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng của hội nghị lần này với nhiều nhận định cho rằng, các bên có thể không đưa ra được tuyên bố chung như Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua do sự phản đối của Mỹ. Lo ngại hơn cả đó là khi không nhận được đủ các cam kết từ các nước thành viên NATO trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Mỹ có thể rời cuộc họp sớm hoặc đơn giản là không tham dự nhiều phiên họp và đề nghị Ngoại trưởng Mỹ hoặc Bộ trưởng Quốc phòng thế vào vị trí của mình.
Mặc dù đây là một khả năng xấu nhất, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hành động tương tự tại Hội nghị G7. Và nếu xảy ra thì đây sẽ là một vấn đề thực sự lớn, khi các nhà lãnh đạo của gần 30 quốc gia đã đến Bỉ để thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quan trọng của thế giới.
Song, việc Tổng thống Mỹ coi đó là sự lãng phí thời gian vô nghĩa và sau đó lại có cuộc gặp với Tổng thống Nga thì đây sẽ là “cái tát mạnh” nhằm vào các đồng minh thân cận của Mỹ- những quốc gia cũng đang nỗ lực ủng hộ cho cuộc chiến của Mỹ ở Iraq hay Afghanistan./.
Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?
NATO bảo vệ chính sách chi tiêu quốc phòng trước chỉ trích của Mỹ