Cơ quan lập pháp nước này sẽ bỏ phiếu về kế hoạch bãi bỏ một Luật chống biểu tình mới trong một phiên họp đặc biệt được triệu tập trước tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở quốc gia Đông Âu này.

Những người biểu tình đã gây ra nhiều cuộc đụng độ với cảnh sát, đòi phải bãi bỏ luật trên. Luật được những người trung thành với Tổng thống Yanukovych trong Quốc hội thông qua vội vàng vào hôm 16/1. Các thay đổi bao gồm lệnh cấm các lều trại không được phép ở nơi công cộng và trách nhiệm hình sự cho tội vu khống quan chức chính phủ.

phe%20bieu%20tinh%20ukraine%20ben%20chuong%20ngai%20vat.jpg
Phe biểu tình Ukraine bên chướng ngại vật (ảnh: Getty Images)

Tổng thống Viktor Yanukovych đã đề xuất bãi bỏ luật này, nhưng không rõ liệu các nghị sĩ có ủng hộ ông lần này hay không.

Ngoài luật về biểu tình, Quốc hội Ukraine cũng sẽ xử lý các yêu cầu khác của phe đối lập như là ân xá cho các nhà hoạt động bị bắt.

Ông Yanukovych đề nghị chỉ cho ân xá trong trường hợp phe biểu tình dọn các chướng ngại vật và ngừng tấn công các tòa nhà chính phủ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu người biểu tình rời bỏ đường phố. Các nhà hoạt động tiếp tục chiếm giữ quảng trường trung tâm của Kiev và các tòa nhà chính phủ ở một số thành phố của Ukraine, và tuyên bố họ sẽ không rút lui chừng nào Tổng thống Yanukovych chưa từ chức.

Vị nguyên thủ Ukraine đã có một số nhượng bộ trong các cuộc hội đàm với 3 lãnh đạo đối lập vào hôm 27/1, là lãnh đạo phe “Tổ quốc”, lãnh đạo đảng Udar - Vitali Klitschko, và lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Oleg Tyahnybok.

Ông Yanukovych đã nhắc lại đề xuất trao cho ông Yatsenyuk vị trí Thủ tướng, mà ông này đã chính thức từ chối.

Trong cuộc họp quốc hội hôm nay, các thay đổi trong nội các có thể được thảo luận.

Có nhiều báo cáo cho hay chính phủ đang tính chuyện ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng giới chức sau đó tuyên bố họ không có kế hoạch như vậy.
Trong cuộc gọi cho Tổng thống Yanukovych hôm 27/1, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc chính phủ ông rút lại luật chống biểu tình mà ông Biden gọi là “phản dân chủ”.

Bạo động đang bùng phát khắp Ukraine, thậm chí cả ở những vùng nói tiếng Nga ở phía đông nước này.

Bốn nhà hoạt động đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ gần đây.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu kể từ khi Tổng thống Yanukovych hoãn ký một thỏa thuận liên kết và thương mại với EU vào tháng 11/2013 để nhận một khoản cứu trợ 15 tỷ USD từ Nga./.