Nhiều người lo ngại, với những diễn biến như thế này, sẽ chưa có bất cứ lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị giữa phe đối lập và chính quyền tại Ukraine.
Ngày 25/1, Tổng thống Ukraine Yanukovich đã đề xuất chia sẻ chiếc ghế Thủ tướng cho nhà lãnh đạo đối lập Arsenly Yatsenyuk và chiếc ghế Phó Thủ tướng cho cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko. Theo đó, việc bổ nhiệm sẽ diễn ra nếu những người biểu tình ngừng tấn công các tòa nhà chính phủ.
Người biểu tình đụng độ dữ dội với cảnh sát Kiev (Ảnh AP) |
Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash cho biết: "Tổng thống đã đề nghị vị trí Thủ tướng cho ông Yatsenyuk. Trong trường hợp ông Yatsenyuk chấp nhận vị trí Thủ tướng, Tổng thống sẽ đưa ra quyết định giải tán Chính phủ. Vị trí Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề nhân đạo sẽ được giành cho ông Klitschko”.
“Tổng thống chắc chắn rằng, làm việc chung cùng với phe đối lập sẽ giúp đoàn kết đất nước và thực hiện tốt các cải cách cần thiết cho đất nước và xã hội”, ông Lukash nói.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đối lập tại Ukraine đã khước từ đề nghị đó của ông Yanukovich và nhấn mạnh nhấn mạnh, Ukraine cần một cuộc bầu cử Tổng thống mới cùng một loạt yêu sách khác.
Thủ lĩnh phe đối lập Yatsenyuk tuyên bố: “Chúng tôi có điều kiện của chúng tôi. Đó là Ukraine cần phải ký thỏa thuận hợp tác với liên minh châu Âu. Thứ hai là phải thả tất cả các tù nhân chính trị. Đây cũng là điều kiện để ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Hiện nay có hàng nghìn tù nhân chính trị bị bắt giữ bất hợp pháp trong đó có cả bà Tymoshenko”.
Trong khi đó, tình hình trong nước tại Ukraine tiếp tục hỗn loạn. Ngày 25/1, những người biểu tình mang theo vũ khí tìm mọi cách để chiếm giữ trụ sở của Bộ Năng lượng ở trung tâm thủ đô Kiev.
Tuy sau đó người biểu tình đã rút ra ngoài nhưng vẫn phong tỏa lối vào bên ngoài tòa nhà.
Ngoài ra, khoảng 2.000 người biểu tình Ukraine đã tấn công tòa nhà Trung tâm hội nghị quốc tế (ICC) ở thủ đô Kiev. Hiện tòa nhà này được trưng dụng làm căn cứ của các lực lượng an ninh Ukraine.
Những người biểu tình đã ném bom xăng và đập vỡ cửa sổ sau đó đột nhập vào bên trong, trong một nỗ lực dường như nhằm ngăn chặn lực lượng an ninh bên trong tòa nhà.
Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/1 hối thúc Chính phủ Ukraine có các bước đi cụ thể nhằm ngăn chặn "sự leo thang bạo lực", đồng thời khôi phục hòa bình tại nước này.
Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Herman Van Rompuy nhấn mạnh: “Trước bạo lực leo thang tại thủ đô Kiev của Ukraine trong thời gian gần đây, chúng tôi phản ứng và lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực của chính quyền Ukraine chống lại người biểu tình. Việc hạn chế quyền tự do cơ bản, trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng. Điều đó chỉ làm cho Ukraine mất ổn định hơn. Đây là trách nhiệm của các nhà chức trách Ukraine”.
Vào cuối tháng này, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất Châu Âu sẽ gặp nhau tại Đức, thảo luận các vấn đề cấp bách về hòa bình và an ninh ở lục địa già. Trong số này, vấn đề ưu tiên là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine giữa chính quyền Tổng thống Yanukovich và lực lượng đối lập./.