Với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí gia hạn thêm 10 năm đối với Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA), được thông qua lần đầu năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của Iran và răn đe việc nước Cộng hòa Hồi giáo này theo đuổi tham vọng hạt nhân. Động thái này của Mỹ có thể đẩy quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục sẽ phải đối mặt với những sóng gió mới. 

trung_phat_iran_thst.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).

Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, một trong các nghị sĩ chủ trương gia hạn lệnh trừng phạt đối với Iran cho biết, các biện pháp trừng phạt là cần thiết nhằm ngăn chặn các nguy cơ hạt nhân từ Iran.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez nói: “Chúng tôi cần gửi đi một thông điệp tới Iran rằng dù Mỹ vẫn đáp ứng các nghĩa vụ Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) song sẽ vẫn có phản ứng trước các hoạt động có tính chất nguy hiểm và đe dọa mà Iran đang tiến hành. Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực, Iran vẫn tiếp tục gây bất ổn cho khu vực”.

Theo kế hoạch, Đạo luật Trừng phạt Iran sẽ hết hạn vào cuối năm 2016 nếu không được gia hạn. Sau khi Thượng viện thông qua, dự luật đã được chuyển đến Nhà trắng để Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật.

Theo các nhà phân tích, hiện chưa rõ Tổng thống Barack Obama có phủ quyết dự luật này hay không khi mà cả hai viện Quốc hội Mỹ đều đã thông qua dự luật với đa số tuyệt đối.

Trước đó hai ngày, người phát ngôn Nhà trắng Mỹ Josh Earnest đã từng bóng gió nói rằng, việc gia hạn lệnh trừng phạt Iran là không cần thiết khi mà thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đã có hiệu lực gần một năm nay.

Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 1/2016 sau khi nước này và Nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức đạt được Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Tuy nhiên, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Trước khi Thượng viện Mỹ quyết định gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran, Hạ viện Mỹ ngày 15/11 vừa qua cũng đã có động thái tương tự, qua đó nhấn mạnh quyết tâm giữ một vai trò mạnh mẽ trong chính sách đối với khu vực Trung Đông dù người đứng đầu Nhà Trắng là ai.

Ngay sau động thái của Hạ viện Mỹ, phía Iran đã có phản ứng gay gắt. Trưởng Đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Ali Akbar Salehi ngày 28/11 cho biết nước này đã sẵn sàng các “kế hoạch phản ứng” trong trường hợp Mỹ không tuân thủ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015.

Iran cho rằng việc gia hạn các lệnh trừng phạt nói trên là vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung mà nước này ký với các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ.

Ông Salehi nhấn mạnh nếu Dự luật gia hạn trừng phạt Iran chính thức thành luật sẽ vi phạm Kế hoạch Hành động toàn diện chung, đồng thời cho rằng các bên khác sẽ không làm như vậy vì họ cũng sẽ là những đối tượng bị thiệt hại chính.

Trước đó, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran- Giáo sỹ Seyyed Ali Khamenei cũng đã lên tiếng phản đối Mỹ tiếp tục gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran và cho rằng động thái này hoàn toàn đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước đây và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới./.