Tại cuộc họp diễn ra vào rạng sáng 20/3 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Cyprus với 54 ghế đã bác kế hoạch đánh thuế đối với các khoản tiền gửi của người dân, một trong những điều kiện nhóm "bộ ba" chủ nợ, gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đặt ra để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷeuro cứu nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đây được coi là “một đòn” giáng vào kế hoạch của các nhà lãnh đạo châu Âu muốn những người gửi tiền tiết kiệm cùng gánh vác gói cứu trợ tài chính của Cyprus.
dan-cyprus.jpg
Người dân Cộng hòa Cyprus xếp hàng rút tiền quanh các ATM ở Larnaca. (Ảnh: AFP)

Nhận định về tác động của quyết định trên đối với Cộng hòa Cyprus cũng như khu vực đồng euro, chuyên gia kinh tế cao cấp Carsten Brzeski thuộc ngân hàng ING tại Brussel, Bỉ cho rằng: “Đây là kịch bản xấu nhất. Các thị trường sẽ rơi vào tình trạng bất ổn do không biết điều gì đang xảy ra. Tôi cho rằng, mặc dù đây chưa phải là dấu chấm hết đối với gói cứu trợ dành cho CH Cyprus, nhưng rõ ràng là có thể xảy ra một số trường hợp, trong đó có khả năng Cyprus sẽ rơi vào vỡ nợ”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Brzeski cho rằng, vẫn còn một số lựa chọn khác đó là Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades sẽ tìm cách thỏa hiệp với Quốc hội, hoặc Cyprus sẽ đàm phán lại với các đối tác châu Âu về các điều kiện để nhận cứu trợ tài chính.

Trước đó, đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã gây không ít hoang mang cho người dân, khiến nhiều người người đổ xô đi rút tiền. Đây là lần đầu tiên các định chế tài chính nước ngoài đề nghị điều khoản đánh thuế tiền gửi với một gói cứu trợ. Trong 3 năm qua, các nước phải cầu viện tài chính từ nước ngoài như Ireland, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, chỉ buộc phải đáp ứng điều kiện thắt chặt ngân sách./.