Tầm vóc của khủng hoảng Ukraine và cơ hội cho Trung Quốc
Li Wei – Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine là một phép thử đối với nền ngoại giao Trung Quốc, nhưng việc đóng vai trò xây dựng sẽ mang lại cho ngoại giao Trung Quốc "cơ hội lớn” để nâng hình ảnh của họ trên trường quốc tế trong tương lai.
Ông Li đưa ra nhận định như vậy tại một hội thảo trực tuyến do Đại học Nhân dân tổ chức. Giáo sư này cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay là một “sự kiện hiếm hoi” có tầm vóc địa chính trị lớn hơn cả loạt tấn công 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Giáo sư Li cho rằng, khi trỗi dậy với tư cách cường quốc toàn cầu, Trung Quốc ít khả năng sẽ chấp nhận chỉ đứng bên lề mà sẽ đóng vai trò nào đó, dù là “chủ động hay thụ động”.
Phát biểu tại hội thảo về quan hệ Trung-Mỹ, Giáo sư Li cho rằng sự kiện Ukraine này sẽ là cơ hội lớn cho Trung Quốc nếu họ đóng được một vai trò mang tính xây dựng trong một ván đấu rất phức tạp giữa các đại cường quốc. Theo ông Li, cơ hội đó thậm chí có thể hình thành nên toàn bộ cục diện ngoại giao và môi trường đối ngoại của Trung Quốc trong những năm sắp tới.
Cũng tuần này, Ngoại trưởng Ukraine - Dmytro Kuleba, tuyên bố Trung Quốc có thể phát huy vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Hôm 21/3, ông Kuleba đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter: “Trong nhiều thập kỷ, quan hệ Ukraine-Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết và mang lại lợi ích cho nhau. Chúng tôi chia sẻ quan điểm của Bắc Kinh về nhu cầu tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến chống lại Ukraine và kêu gọi Trung Quốc với tư cách một cường quốc toàn cầu hãy đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đó”.
Giáo sư Li nói rằng Nga, sau khi hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt chưa từng thấy từ phương Tây, sẽ xem Trung Quốc như hy vọng duy nhất để chấm dứt chiến tranh trong tư thế ngẩng cao đầu, trong khi Mỹ và châu Âu sẽ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh ở Ukraine leo thang thành một xung đột rộng lớn hơn ở châu Âu.
“Trong một ván bài 3 bên như vậy giữa Mỹ, châu Âu, và Nga, tất cả các bên đều muốn Trung Quốc đóng một vai trò nào đó – đây là cuộc thử nghiệm năng lực của Trung Quốc trong nắm bắt nhịp điệu và “chơi bản nhạc piano” trong cuộc chơi cân bằng giữa các nước lớn” – ông Li nhận định.
"Thận trọng quản lý mối quan hệ của mình với các nước lớn"
Kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine chính thức nổ ra, Bắc Kinh đã tỏ ra lưỡng lự về việc phải tự xa cách với Moscow.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với Mỹ để mang lại hòa bình cho Ukraine nhưng lại không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cam kết hàng triệu đô la viện trợ nhân đạo cho Ukraine, đồng thời khẳng định thương mại giữa Trung Quốc và Nga sẽ không bị và không nên bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nói trên.
Giáo sư Li cho rằng Bắc Kinh phải thận trọng quản lý mối quan hệ của mình với các nước lớn.
Ông này phân tích: “Một mặt, Nga là đối tác chính của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh và năng lượng. Khi Nga chịu áp lực từ sự bành trướng của NATO, chúng tôi phải hiểu các quan ngại an ninh của họ. Nhưng Nga và Trung Quốc không phải là các đồng minh quân sự, và mối quan hệ giữa hai nước không nhằm đến một bên thứ 3”.
Giáo sư Đại học Nhân dân cho rằng Bắc Kinh sẽ hưởng lợi nếu nắm bắt được cơ hội phát triển một môi trường đối ngoại tích cực, đặc biệt là khi Mỹ đang đẩy mạnh tương tác với các đối tác và đồng minh để kiềm chế tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, nhất là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vẫn lời Giáo sư Li: “Trung Quốc có thể làm việc với các cường quốc toàn cầu để đóng vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề chính liên quan đến an ninh quốc tế, điều có thể làm chậm lại đà của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ”.
Ông Li cho rằng khi nắm bắt cơ hội này, Trung Quốc “sẽ có khả năng tiến sát gần hơn với EU - khối mà mà họ cần về mặt kinh tế và cũng không xem Trung Quốc như đối thủ chiến lược”. Theo ông Li, Trung Quốc cũng cần Nga chấm dứt chiến tranh vì Trung Quốc “cần một nước Nga ổn định”./.