Chiến sự Nga-Ukraine làm nổi rõ sự xa cách tăng dần giữa Nga và Serbia

Serbia cảm nhận rõ sức nóng của cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt tại Ukraine bởi vì nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Mặc dù tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Serbia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án việc Nga tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraine và ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Serbia vẫn tránh áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga.

Trong khi quan hệ giữa Serbia với Nga đang chịu nhiều sức ép thì quan hệ giữa Belgrade và Bắc Kinh lại không như vậy. Trên thực tế, cuộc chiến hiện nay ở Ukraine lại mang đến cơ hội để Serbia tiếp tục và thúc đẩy chính sách mà họ đã thực thi từ trước cuộc chiến này, đó là thay thế Nga bằng Trung Quốc với tư cách là đối tác phi phương Tây chủ yếu của họ.

Kể từ ít nhất năm 2020 và đầu đại dịch Covid-19, Serbia dần dần đưa Trung Quốc thế chân Nga để trở thành người bạn thân nhất của họ ở phương Đông. Trong lúc Tổng thống Aleksandar Vucic hôn lên lá quốc kỳ Trung Quốc để cảm ơn viện trợ y tế của Bắc Kinh thì viện trợ y tế của Nga dành cho Serbia lại không được chào đón bằng sự nhiệt thành tương tự. Sự kiện này phản ánh việc Bắc Kinh sở hữu những nguồn lực mà Moscow không có, đồng thời cho thấy sự thiếu tin tưởng ngầm giữa Serbia và Nga. Bất chấp hai bên hay nói về mối quan hệ chung gốc Slav và Chính thống giáo, quan hệ đối tác Serbia-Nga mang tính cơ hội. Moscow nhận thức được rằng Belgrade chỉ sử dụng Nga làm công cụ gây ảnh hưởng với phương Tây, còn Belgrade e sợ rằng Moscow sẽ vứt bỏ mình trong một cuộc đại mặc cả với phương Tây.

Năm 2020, khi Serbia đối mặt với các cuộc biểu tình bạo lực phản đối phong tỏa chống Covid-19, truyền thông thân chính quyền Serbia đã tố các lực lượng thân Nga xúi giục các cuộc biểu tình này nhằm mục đích lấy lòng phương Tây. Cùng năm đó, chính quyền Serbia đang cố gắng giải quyết tranh chấp Kosovo với sự trợ giúp của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đối với Nga, điều này đồng nghĩa với việc đánh mất ảnh hưởng ở vùng Balkan và Serbia đang xoay trục sang Mỹ. Sự thiếu tin tưởng sâu sắc giữa Belgrade và Moscow vẫn tồn tại, dù rằng việc ông Biden lên làm tổng thống Mỹ đã buộc Serbia phải hâm nóng lại một số mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, bất chấp sự nghi ngờ lẫn nhau, hai nước này vẫn có chung lợi ích trong việc đấu tranh chống bất đồng dân sự và các cuộc “cách mạng màu”.

Cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine đã thay đổi cách tiếp cận của Serbia đối với Nga. Một mặt, Belgrade gắn bó với phương Tây khi EU và NATO về mặt địa lý là bao quanh đất nước này. Đối tác kinh tế chủ yếu của Serbia là EU. Mặt khác, Serbia vẫn phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Nga ở Liên Hợp Quốc trong tranh chấp Kosovo. Ngoài ra, Serbia còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Vào tháng 11/2021, Belgrade và Moscow đã nhất trí về một mức giá khí đốt trong 6 tháng có lợi Belgrade – điều mà giới lãnh đạo Serbia cần cho việc tái cử. Quan trọng hơn nữa, ban lãnh đạo Serbia lo ngại khả năng là nếu làm Nga xa cách, họ sẽ gây phẫn nộ cho một bộ phận đáng kể cử tri thân Nga ở Serbia, từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị.

Quan hệ Trung Quốc-Serbia mặn nồng chưa từng thấy trên nhiều mặt

Trái ngược với các thực tế nêu trên, quan hệ đối tác của Serbia với Trung Quốc có vẻ không bị vướng các phiền muộn lo lắng. Chính quyền Serbia đang hành động theo hướng ủng hộ mối quan hệ này. Vào cuối năm 2021, đầu tư của Trung Quốc vào Serbia đã vượt 3 tỷ USD. Trong khi đó theo các dữ liệu công khai, các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho cơ sở hạ tầng ở Serbia đã vượt quá 8 tỷ euro. Serbia còn đang mua các máy bay không người lái (UAV) do Trung Quốc cung cấp. Có dấu hiệu rõ cho thấy các hệ thống theo dõi của hãng Huawei (Trung Quốc) được trang bị phần mềm nhận diện khuôn mặt đã được Serbia sử dụng để nhận diện những người tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Trong Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vừa qua, Tổng thống Serbia Vucic đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tôn vinh mối quan hệ “son sắt” giữa 2 nước. Khi từ Bắc Kinh về, giới lãnh đạo Serbia công bố rằng vào cuối năm 2022, hai chính phủ sẽ ký một thỏa thuận tự do thương mại nhằm tăng thương mại song phương lên mức 8 tỷ USD/năm và sau đó là 10 tỷ USD/năm. Mặc dù thỏa thuận này sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Serbia và khiến nhà sản xuất nội địa vấp phải các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, ban lãnh đạo Serbia hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài thông qua phương thức này. Hai nước cũng đã đạt được thỏa thuận mới về việc Trung Quốc mở một nhà máy linh kiện ô tô mới ở thành phố Nis của Serbia và mở rộng năng lực cho một nhà máy ở Kragujevac. Serbia và Trung Quốc cũng có kế hoạch giới thiệu đường bay từ Belgrade tới Thượng Hải và Bắc Kinh.

Chính quyền Serbia cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Serbia và Đại học Novi Sad đã thành lập Viện Vành đai và Con đường để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Phòng các Công ty Trung Quốc ở Serbia đã được mở vào ngày 3/3/2022. Trong lễ khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Trung Quốc, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic đã đề cập xung đột ở Ukraine khi ông giãi bày như thế này: “Đối với tôi, đây là một ngày cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ Serbia, bởi vì chúng tôi đang sống trong thời khắc khó khăn và phức tạp, khi nhiều quan hệ đối tác và mối quan hệ đang bị cắt đứt, và khi chúng tôi phải chịu áp lực to lớn. Điều khó khăn nhất là bảo tồn quan hệ đối tác và tình hữu nghị, và củng cố chúng hơn nữa, mở ra hành lang mới cho hợp tác”.

Các cuộc bầu cử ở Serbia có lợi cho quan hệ Trung Quốc-Serbia. Các dự án Trung Quốc ở nước này giúp giới lãnh đạo Serbia cắt băng khánh thành và quảng bá vai trò của mình trong khuyến khích dòng vốn Trung Quốc, từ đó giúp nền kinh tế vượt qua các thời điểm khó khăn. Trong hội nghị đầu tiên của Viện Vành đai và Con đường, Bộ trưởng Xây dựng-Vận tải-Cơ sở hạ tầng của Serbia - Tomislav Momirovic, đã tự hào giới thiệu về các con đường bộ và tuyến đường sắt mà chính phủ Serbia đang xây dựng với trợ giúp từ Trung Quốc. Sau chiến dịch này, chính phủ Serbia đã ký vài hợp đồng với các công ty Trung Quốc về các dự án xây dựng, bao gồm việc xây một tuyến đường tiếp cận và đường vòng tránh. Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) sẽ xây một đường cao tốc dài 75km trong khuôn khổ dự án đường cao tốc Belgrade-Nam Adriatic.

Ngoài ra, người ta còn kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành dự án xây dựng cơ sở sản xuất vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Bất chấp việc Serbia từng ký một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian với nội dung không lắp đặt thiết bị 5G từ các các nhà cung cấp không đáng tin cậy (ám chỉ tập đoàn Huawei của Trung Quốc), Serbia vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei trong tất cả các lĩnh vực ngoại trừ mảng 5G.

Trong lúc Serbia gặp khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa Nga và phương Tây, Trung Quốc đã xuất hiện với  tư cách là “người bạn trong mọi điều kiện thời tiết” của chính phủ Serbia/.