“Cơn đau đầu bất chợt” của chính quyền Biden
Là nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã thể hiện rõ rằng, ưu tiên đối ngoại của ông chủ yếu tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, khởi động lại đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama, vừa cứng rắn nhưng lại vừa để ngỏ cơ hội hợp tác với Nga.
Theo các quan chức Nhà Trắng, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine – từng khiến nhiều thế hệ tổng thống Mỹ đau đầu, là vấn đề ít được quan tâm hơn. Thế nhưng, bất cứ nỗ lực nào nhằm tái cân bằng chính sách của Mỹ, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và đưa Israel - Palestine đến bàn đàm phán, sẽ vẫn là thách thức lớn sau khi cựu Tổng thống Trump từ bỏ sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với giải pháp 2 nhà nước, cắt giảm kinh phí dành cho Cơ quan cứu trợ và hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA), phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.
Chiến lược Trung Đông của chính quyền Trump, do cố vấn cấp cao đồng thời là con rể ông - Jared Kushner thiết kế, bắt nguồn từ sự ủng hộ nhiệt tình đối với các chính sách cứng rắn của Thủ tướng Israel Netanyahu. Israel đã bỏ các cuộc đàm phán với Palestine, thay vì đó tập trung thúc đẩy quan hệ ngoại giao với một số nước Arab, mở đầu bằng việc ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain, có tên gọi Hiệp định Abraham. Điều này đã giúp Israel giành được sự ủng hộ của một số quốc gia Arab.
Nhưng cái gọi là Hiệp định Abraham cũng rất mong manh vì các nhà lãnh đạo Arab không lường trước được những diễn biến châm ngòi cuộc đối đầu mới giữa Palestine và Israel thời gian gần đây.
Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát Israel và người Palestine biểu tình tại Jerusalem ngày 10/5. Người biểu tình Palestine phản đối Israel chiếm giữ khu vực nhà thờ Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và đuổi người Palestine ra khỏi vùng lãnh thổ mà họ sinh sống trong nhiều thế kỷ để xây khu định cư cho người Do Thái.
Dù chưa rõ ai là người đã khiến các cuộc biểu tình xung quanh nhà thờ Al-Aqsa biến thành bạo loạn, nhưng vụ việc đã nhanh chóng leo thang thành chiến sự tại Dải Gaza, với các cuộc tấn công bằng tên lửa của phong trào Hamas và sự đáp trả dữ dội bằng các cuộc không kích của Israel, khiến Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện.
Mặc dù Israel chưa triển khai chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào các nhóm vũ trang của Palestine, song cường độ của các cuộc kích ở cả hai phía ngày càng trở nên ác liệt hơn. Chưa dừng lại ở đó, vụ việc cũng châm ngòi làn sóng bạo lực sắc tộc giữa người Arab và người Do Thái tại nhiều thành phố của Israel.
Một cách tiếp cận công bằng hơn
Bầu không khí chính trị ở Mỹ đối với các chính sách về Israel và Palestine cũng thay đổi: phe cấp tiến của đảng Dân chủ ngày càng gia tăng sức ép hối thúc chính phủ theo đuổi một cách tiếp cận công bằng hơn, trong đó công nhận các quyền của người Palestine bất chấp sự ủng hộ sắt đá của Mỹ dành cho đồng minh Israel từ trước đến nay.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez – nhân vật luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Israel, đã ra tuyên bố lên án quân đội Israel không kích làm sập tòa nhà trụ sở của nhiều hãng truyền thông quốc tế tại Dải Gaza như Associated Press, BBC, Al Jazeera. Ngay sau vụ tấn công, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo đã liên lạc trực tiếp với Israel để nhấn mạnh rằng đảm bảo an toàn và an ninh cho phóng viên và cơ quan truyền thông độc lập là trách nhiệm cao nhất.
Cuộc tấn công vào trụ sở các hãng truyền thông, cùng số liệu thương vong dân sự tăng cao tại Dải Gaza đã khiến 28 nhà lập pháp Mỹ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại, đồng thời làm dấy lên các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang chịu sức ép phải hành động nhiều hơn nữa để làm giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel ngày 17/5, Tổng thống Biden đã “bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và thảo luận về việc Mỹ, Ai Cập hoặc các bên khác làm trung gian để đạt được mục tiêu đó”, các quan chức Mỹ cho biết.
Rào cản lớn với chính quyền Biden
Tuy vậy, nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa Palestine và Israel đang đối mặt với một số rào cản lớn.
Thứ nhất, chính quyền Biden không có nhà ngoại giao hàng đầu ở Israel: không có đại sứ, không có tổng lãnh sự mà chỉ có một đặc phái viên cấp thấp là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hadi Amr.
Thứ hai, Mỹ đang làm việc với các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine hiện ở trong tình thế rất chênh vênh. Sau 5 nhiệm kỳ, Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước nguy cơ bị thay thể bởi liên minh chính trị với một lãnh đạo ôn hòa. Không chỉ đối mặt với phiên tòa xét xử vì bị cáo buộc tham nhũng, ông Netanyahu còn thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/3/2021 - cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 trong vòng chưa đầy hai năm.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phải hoãn các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Bất hoà giữa Hamas và Fatah dai dẳng và trầm trọng khiến cho chính quyền Palestine bị sa lầy trong tình trạng cát cứ quyền lực và lãnh thổ.
Thứ 3, Mỹ không có các cuộc tiếp xúc công khai với phong trào Hamas bởi tổ chức này đã bị Washington liệt vào danh sách khủng bố. Hiện giờ, mọi mối liên hệ đều phải qua Ai Cập và Qatar.
Lý do cuối cùng, các nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có rất ít lý do để hạ nhiệt căng thẳng. Cả Thủ tướng Netanyahu và phong trào Hamas đều muốn thể hiện sức mạnh chính trị của họ thông qua hành động quân sự. Ông Netanyahu muốn giành được sự ủng hộ trong nước và giữ vững chiếc ghế của mình, còn Hamas muốn loại bỏ chính quyền Palestine và giành quyền kiểm soát Bờ Tây. Vì vậy, nếu cả hai bên đồng ý về một lệnh ngừng bắn ở thời điểm này thì điều đó có nghĩa là họ đã đạt được các mục tiêu chính trị đề ra./.