Không dừng ở hạ tầng đơn thuần mà phải giúp cả kinh tế sở tại

Trong các năm gần đây, điểm nhấn của Bắc Kinh đã thay đổi từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang giúp đỡ các nền kinh tế Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan tiến hành công nghiệp hóa, theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace.

Dirk van der Kley - một trong các tác giả của báo cáo trên (có tên "Làm thế nào các nước Trung Á đã đẩy các hãng Trung Quốc đến chỗ phải địa phương hóa") nói: "Hầu hết các công ty Trung Quốc đang cố gắng để được người ta đánh giá là phục vụ cộng đồng địa phương tốt hơn".

Ông Kley nói với This Week In Asia rằng hoạt động cho vay của Trung Quốc ở Trung Á ngày càng kỹ lưỡng hơn, theo hướng đầu tư vào các dự án chuyển giao năng lực sản xuất. Ông cho biết thêm, các ngân hàng chính sách Trung Quốc đang đầu tư ít hơn vào các dự án điện than so với trước đây, còn các công ty Trung Quốc đang xây dựng thêm các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo trong khu vực.

Báo cáo của trung tâm Carnegie nêu thêm rằng, các công ty Trung Quốc cũng "đều đặn tăng tỷ lệ thuê nhân công địa phương" ở Trung Á bằng cách nâng cao trình độ tay nghề của công nhân ngay tại chỗ hoặc đưa họ sang Trung Quốc đào tạo. Bắc Kinh đang trong quá trình thiết lập một mạng lưới các trung tâm dạy nghề trong toàn khu vực, các trung tâm này được đặt tên theo nhà phát minh kiêm thợ thủ công nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa - Lỗ Ban.

Kể từ khi khởi động sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, Trung Quốc đã vượt Nga để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Á. Động lực của Trung Quốc khi làm vậy là các mỏ khoáng sản trong khu vực, thị trường xuất khẩu, và mong muốn bảo đảm ổn định ở khu vực Tây Tân Cương.

Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, hơn 17 tỷ USD đã được bơm vào các dự án ở Kazakhstan, khoảng 4 tỷ USD vào Uzbekistan và Kyrgyzstan, và 710 triệu USD vào Tajikistan kể từ năm 2013.

Nhưng các dự án Vành đai và Con đường cũng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch, dựa nhiều vào nhân công Trung Quốc, vi phạm các tiêu chuẩn môi trường và lao động, và đang chịu những khoản vay không bền vững khiến các nước thụ hưởng sáng kiến này phải đối diện với gánh nặng nợ nần lớn.

Tháng 11/2021, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải làm cho sáng kiến Vành đai và Con đường "có chất lượng cao, bền vững, và lấy con người làm trung tâm" trong bối cảnh cạnh tranh kỹ thuật và công nghiệp gia tăng, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 khiến cho môi trường quốc tế ngày càng phức tạp.

Benjamin Barton - phó giáo sư chính trị, lịch sử và quan hệ quốc tế tại cơ sở Malaysia của Đại học Nottingham (Anh), cho biết việc Trung Quốc công nhận nhu cầu phải bền vững hơn bắt nguồn từ mong muốn của Bắc Kinh là đẩy lùi các chỉ trích của quốc tế và tránh phản ứng tiêu cực từ các dự án như cảng Hambantota ở Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka đã trao việc quản lý cảng này cho một công ty Trung Quốc trong thời hạn thuê 99 năm khi họ không thể thanh toán các khoản vay từ Trung Quốc dùng để phát triển cảng nay.

Trường hợp Kazakhstan

Trung Quốc đang cố gắng làm hài lòng chính quyền các nước Trung Á trong bối cảnh Trung Quốc gặp phải áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và Nga muốn mở rộng quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực, theo nhận định của Jessica Neafie - một phó giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan.

Không phải nước nào trong khu vực cũng có khả năng gây ảnh hưởng tương tự lên Bắc Kinh.

Neafie nhận định rằng Kazakhstan là một điểm trung chuyển quan trọng trong tuyến thương mại trên bộ sang châu Âu và nhờ vậy Kazakhstan có thể nói "không" với Trung Quốc. Bà nói: Tajikistan tiếp nhận khoảng 400 triệu USD cho một dự án xây đường cao tốc, với điều khoản chỉ các nhà thầu Trung Quốc mới được làm dự án này, nghĩa là các hãng vận chuyển của Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều hơn các công ty địa phương. Trong khi đó, Kazakhstan đã thành công trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuyển dụng thêm công nhân địa phương và trả lương công bằng hơn cho họ.

Neafie cho biết: "Chính phủ Kazakhstan thậm chí còn giảm số lao động nước ngoài được phép cấp visa vào đất nước để buộc các nhà đầu tư vào nước này chỉ có thể tương tác với lực lượng lao động địa phương". 

Mặc dù vậy, tính bền vững vẫn là một vấn đề. Các công ty Trung Quốc trong các ngành khai thác ở Kazakhstan đạt tiêu chuẩn thấp về môi trường và góp phần làm gia tăng "ô nhiễm môi trường".

Một báo cáo do tổ chức Crude Accountability (có trụ sở ở Mỹ) xuất bản vào tháng 10/2021 phát hiện ra rằng một nhà máy lọc dầu do công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ở thành phố Shymkent, nằm ở miền Nam Kazakhstan gần biên giới với Uzbekistan, phát ra các mùi gây nghẹt thở.

Không những vậy, cư dân thành phố trên cũng phàn nàn về tình trạng giếng cạn khô, với nguyên nhân nhiều khả năng là do "hoạt động bơm nước ngầm liên tục để đáp ứng nhu cầu của nhà máy lọc dầu nói trên".

Crude Accountability cho biết, họ đã thăm một nhà máy sản xuất xi măng ở vùng Kyzylorda. Nhà máy này được di chuyển từ Trung Quốc sang Kazakhstan, mang theo ô nhiễm. Theo báo cáo của tổ chức này, nhiều trẻ em sống trong ngôi làng gần đó đã mắc các bệnh về da và hô hấp kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động.

Cạnh tranh quốc tế

Sáng kiến Build Back Better World (tạm dịch là "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn") do Mỹ dẫn dắt và được phát động vào tháng 6/2021 tại hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm đối trọng với đại dự án Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, sáng kiến Build Back Better World có thể khiến Trung Quốc điều chỉnh hơn nữa cách tiếp cận của mình đối với Trung Á.

Neafie (Đại học Nazarbayev) nói: "Khi Trung Quốc đối diện với nhiều áp lực hơn từ các nước khác, họ sẽ buộc phải chú ý hơn tới nhu cầu địa phương, vì nếu không, họ sẽ đánh mất ảnh hưởng và các nguồn năng lượng".

Tình trạng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc hiện nay cũng đang buộc Bắc Kinh phải đánh giá lại các ưu tiên của mình, theo Barton (Đại học Nottingham). Các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang xem xét lại tiêu chí đánh giá tiềm năng của dự án.

Barton nói: "Họ đang chuyển từ số lượng sang chất lượng, lấy đó làm căn cứ chính để duyệt dự án". 

Yuan Jiang - một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Công nghệ Queensland (Australia) với nghiên cứu tập trung vào sáng kiến Vành đai và Con đường, cho rằng sự trỗi dậy của sáng kiến cơ sở hạ tầng của G7 đã cung cấp thêm một lựa chọn nữa cho các nước đang phát triển, giúp họ so sánh để tìm ra cái tốt hơn.

Yuan Jiang nói rằng sáng kiến Vành đai và Con đường có ý đồ chiến lược gắn với quy mô lớn của nó nhưng sáng kiến này còn lâu mới là một chiến lược vì Bắc Kinh "chưa tính hết mọi nhẽ" trong các kế hoạch của mình liên quan đến BRI - họ thường chỉ nhận ra các bất cập sau khi các kế hoạch được triển khai.

Jiang nghi ngờ liệu cơ quan của chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ giám sát BRI có đủ người hay không để giám sát hiệu quả nhiều dự án trên khắp thế giới, đặc biệt là khi hầu hết các công ty Trung Quốc muốn gắn với BRI để hưởng các ưu đãi kinh tế.

Jiang nhắc lại câu nói "dò đá sang sông" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình để nói về việc Trung Quốc đang vừa làm vừa học trong các dự án BRI./.