“Cánh cửa hẹp” cho ngoại giao
Hơn 2 tháng qua, trong khi truyền thông tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, có một sự kiện dường như đã bị bỏ qua. Đó là vào cuối tháng 4, Mỹ và Nga đã tiến hành trao đổi tù nhân. Trong khi Nga thả một người Mỹ (cựu lính thủy quân lục chiến) - người đã bị giam giữ cách đây 3 năm thì Mỹ đã thả một phi công Nga bị giam giữ cách đây hơn 1 thập kỷ với cáo buộc buôn bán trái phép ma túy.
Điều khiến cuộc trao đổi tù nhân này gây chú ý là nó diễn ra giữa thời điểm chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến mối quan hệ với Mỹ lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã cố gắng tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, song vẫn đang tiến hành những động thái có thể ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc xung đột này, trong đó có việc cung cấp số lượng lớn các vũ khí tiên tiến, thông tin tình báo và các khóa huấn luyện quân sự cho Ukraine nhằm hỗ trợ Kiev chống chịu và đánh bại Nga. Mỹ cũng có những động thái củng cố NATO và áp các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn lên Nga.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kéo dài. Mặc dù lợi ích căn bản của Ukraine là chấm dứt chiến tranh, hạn chế thương vong và tổn thất nhưng mong muốn hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky đi kèm với các điều kiện. Nhà lãnh đạo Ukraine muốn giành lại những vùng lãnh thổ Nga kiểm soát và đảm bảo rằng chủ quyền quốc gia được tôn trọng, trong đó có việc Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những mục tiêu cần đạt được. Hầu như có rất ít khả năng hai bên đạt được hòa bình qua đàm phán. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc xung đột có thể sẽ tiếp tục không chỉ một vài tháng mà là một vài năm. Điều này sẽ là cơ sở cho mối quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga.
Một khả năng là phương Tây có thể sẽ gắn toàn bộ quan hệ hai bên với những hành động của Nga ở Ukraine. Dù vậy, đây sẽ là một sai lầm bởi Nga có thể gây ảnh hưởng đến các lợi ích khác của phương Tây, chẳng hạn như hạn chế khả năng hạt nhân và tên lửa của Iran, Triều Tiên, cũng như thành công của những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Tin tốt là cuộc trao đổi tù nhân đã cho thấy những bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine không loại bỏ việc tiến hành những động thái đôi bên cùng có lợi nếu cả hai sẵn sàng tách biệt các vấn đề. Tuy nhiên, duy trì khả năng hợp tác có chọn lọc sẽ yêu cầu những giải pháp ngoại giao khéo léo.
Không đi quá giới hạn
Theo ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, đồng thời từng là Giám đốc Hoạch định Chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2001 - 2003, trước tiên, Mỹ và các đối tác cần ưu tiên hoặc thậm chí hạn chế các mục tiêu ở Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc phản đối những phát ngôn về việc thay đổi chế độ ở Nga.
"Chúng ta cần khiến Nga hiểu rằng đó không phải là điều chúng ta mong muốn", chuyên gia này nhận định.
Ngoài ra, ông Richard Haass cũng cho rằng, các nước phương Tây cần ngừng tuyên bố công khai về việc hỗ trợ Ukraine nhắm vào các mục tiêu của Nga. Sau những bài báo của New York Times và NBC News về vấn đề cung cấp thông tin tình báo, Tổng thống Biden đã gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Avril Haines và giám đốc CIA William Burns để chỉ trích họ về việc này.
Micharl A. McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga hiện làm việc tại Đại học Standford cho rằng có sự khác biệt giữa việc hỗ trợ Ukraine nhắm vào các mục tiêu của Nga và việc công khai nói về điều đó.
“Việc công khai nói về nó trước công chúng sẽ tạo ra ấn tượng rằng Nga đang giao tranh với Mỹ và NATO ở Ukraine chứ không chỉ với Ukraine. Điều đó không phục vụ cho các lợi ích của chúng ta".
Theo ông Richard Haass, Mỹ cần khẳng định rõ rằng, trái với những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, mục tiêu của Washington không phải là sử dụng chiến tranh để làm suy yếu Nga. Thay vào đó, Mỹ cần nhấn mạnh rằng nước này muốn chiến tranh kết thúc sớm nhất có thể theo những điều khoản đảm bảo chủ quyền và tình trạng độc lập của Ukraine.
Đối với cuộc chiến ở Ukraine, phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, song cũng ngăn cản xung đột leo thang để tránh giao tranh trực tiếp với Nga. Trong khi đó, điện Kremlin cũng cần hiểu rằng sự kiềm chế này là cơ sở cho thấy chiến tranh sẽ không lan rộng sang một quốc gia NATO, cũng như không có khả năng vũ khí phá hủy hàng loạt được sử dụng.
Chuyên gia Richard Haass cho rằng, phương Tây cũng cần cân nhắc cẩn thận về các mục tiêu chiến tranh của mình và cách thức theo đuổi chúng. Mục tiêu là Ukraine sẽ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của nước này nhưng điều đó không nhất thiết là giải phóng Crimea hay khu vực Donbass bằng vũ lực. Một số mục tiêu trên có thể đạt được thông qua ngoại giao và việc dừng trừng phạt có chọn lọc. Dù vậy, theo chuyên gia này, cho tới khi Nga thay đổi hành vi, các lệnh trừng phạt không chỉ tiếp tục duy trì mà còn mở rộng sang lĩnh vực nhập khẩu năng lượng.
Ông Richard Haass đề xuất, các cuộc gặp kín giữa các quan chức quân sự và dân sự cấp cao của các nước phương Tây và Nga nên được nối lại để làm giảm nguy cơ những tính toán sai lầm có thể dẫn đến đối đầu hoặc những tình huống tệ hơn, cũng như nguy cơ đóng sập cơ hội hợp tác giữa 2 bên./.