Chiến trường miền Đông Ukraine vẫn “đỏ lửa” trong ngày 13/2 với ít nhất 28 dân thường và binh lính thiệt mạng.
“Thật không may sau Thỏa thuận Minsk 2, xung đột vẫn theo chiều hướng tăng lên. Chúng tôi cho rằng Thỏa thuận này đang ở “sát bờ vực” nguy hiểm”, ông Poroshenko đổ lỗi cho Nga vẫn tiếp tục hậu thuẫn chiến trường miền Đông trong cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Chính phủ Mỹ cũng chỉ trích Nga tiếp tục đưa vũ khí hạng nặng qua biên giới sang miền Đông Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington đã nhận được thông báo rằng hàng loạt vũ khí hạng nặng tiếp tục đi từ Nga vào miền Đông Ukraine vài ngày qua.
“Điều này rõ ràng vi phạm tinh thần của thỏa thuận Minsk” - bà Psaki nhấn mạnh. Bà cho rằng quân đội Nga đã triển khai pháo cối và hệ thống phóng tên lửa vào miền Đông Ukraine. “Chúng tôi cho rằng đây là vũ khí của quân đội Nga chứ không phải của phe đối lập”.
Tình hình chiến sự leo thang cùng với những lời cáo buộc Nga “ầm ĩ” trên truyền thông Mỹ và Ukraine khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel – người vừa thở phào sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hôm 12/2 – cũng phải “nổi giận” và quay sang cảnh báo Moscow về một lệnh trừng phạt mới nếu thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ.
Bà Merkel sắp hết kiên nhẫn với Nga
Phát biểu tại cuộc họp báo sau một hội nghị thượng đỉnh của EU ngày 13/2, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh các lãnh đạo châu Âu đã chuẩn bị thêm lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
“Chúng tôi bỏ ngỏ khả năng này, nếu những thỏa thuận mới không được thực thi, chúng ta phải tăng cường các biện pháp trừng phạt”, Reuters dẫn lời bà Merkel.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận nhiều lệnh trừng phạt của EU đang chờ đợi Nga nếu thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine không được lực lượng đối lập tôn trọng.
Cả bà Merkel và ông Hollande suốt 1 tuần qua trở thành bên trung gian tổ chức cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Minsk, Belarus. Sau gần 17 tiếng hội đàm căng thẳng, các bên nhất trí thông qua một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15/2 và sau đó các bên sẽ rút vũ khí hạng nặng.
Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của EU nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã làm hơn 5.000 người thiệt mạng ở Đông Ukraine kể từ khi nó bùng phát vào giữa tháng 4/2014.
Khốn khổ nhất là những người Ukraine
Sự khốn khổ đang chia đều cho cả Kiev và Donbass. Bất mãn với một chính phủ Ukraine thân Nga trước đây đã khiến những người Kiev thân phương Tây tiến hành cách mạng; tuy nhiên lại quá đà khiến mâu thuẫn phe phái đẩy cao tới mức không thể cứu vãn.
Ngày 11/2, nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố xem xét một gói cứu trợ lớn hơn cho Ukraine, khi nước này đang đứng bên bờ vực phá sản.
Còn với lực lượng miền Đông, cuộc chiến với những người anh em cùng dân tộc chỉ để bảo vệ niềm tin, sự trung thành, sắc tộc, tôn giáo và tín ngưỡng… với kết cục dù chiến thắng nhưng có thực sự là hạnh phúc?
Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên chiến trường miền Đông cho thấy dường như cả Donbass và Kiev sẽ đánh nhau cho tới người cuối cùng./.