Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết lực lượng đối lập miền Đông đã bắt đầu các cuộc tấn công ngay sau khi thỏa thuận mới được Bộ tứ Normandy đặt bút ký tại Minsk ngày 12/2.
Dấu hiệu cho thấy, việc thực hiện thỏa thuận mới được ký kết vì hòa bình Ukraine sẽ rất khó khăn. Các đồng minh châu Âu của Ukraine cũng cảnh báo diễn biến giao tranh tại miền Đông Ukraine là “mối đe dọa rõ ràng với hòa bình của châu Âu”.
Sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại cuộc gặp thượng đỉnh Bộ tứ Normandy tại Minsk, Belarus ngày 12/2, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã tới Brussels và có cuộc gặp với hàng loạt nhà lãnh đạo châu Âu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đang diễn ra tại đây.
Giới chức châu Âu đã hoan nghênh thỏa thuận Minsk thứ 2 về hòa bình Ukraine này, song cũng không giấu sự lo ngại về những khó khăn khi thỏa thuận này được triển khai trên thực địa.
Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu Donald Tusk cho rằng, xung đột tiếp diễn tại miền Đông Ukraine đang đe dọa tới hòa bình châu Âu. Trong khi đó, phát biểu tại Brussels, Tổng thống Ukraine Poroshenko cảnh báo sẽ rất khó khăn để thực thi thỏa thuận vừa đạt được.
“Chúng tôi đã có cuộc đàm phán khó khăn và chúng tôi dự báo rằng tiến trình thực thi thỏa thuận này cũng sẽ không hề dễ dàng. Ukraine luôn có trách nhiệm thực thực hiện thỏa thuận Minsk. Đó là lý do tại sao tội tới Brussels để phối hợp với các đối tác Liên minh châu Âu trong thực hiện các bước tiếp theo trong thỏa thuận”, Tổng thống Ukraine Poroshenko nói.
Theo ông Poroshenko lực lượng đối lập miền Đông khai hỏa sau khi thỏa thuận mới được ký kết. Các nguồn tin cho biết, sáng 13/2, những vụ pháo kích mới đã diễn ra tại các thành phố Donetsk và Luhansk do phe đối lập kiểm soát. Phóng viên Hãng BBC của Anh có mặt tại Donetsk cho biết đã nghe thấy tiếng pháo kích vào sáng nay, tuy rằng tiếng pháo kích bớt dữ dội hơn những ngày gần đây.
Người phát ngôn quân đội Ukraine sáng 13/2 cho biết, 8 binh sỹ đã bị thiệt mạng trong cuộc giao tranh chống phe đối lập trong 24 giờ qua. Trong khi, phe đối lập cho biết vụ pháo kích giết chết 2 dân thường tại Lugansk.
Còn tại điểm nóng chiến sự Debaltseve, lực lượng đối lập đã bao vây khoảng 8 nghìn binh sĩ chính phủ trong nhiều ngày qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/2 cũng đã bày tỏ hy vọng rằng tình hình tại Debaltseve sẽ hạ nhiệt trước khi lệnh ngừng bắn được thực thi từ ngày 15/2 tới.
Xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng đối lập đã liên tiếp vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk tháng 9 năm ngoái và biến lệnh ngừng bắn chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Để tránh vết xe đổ này, các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất lúc này là các bên liên quan thực thi đầy đủ và tức thì thỏa thuận ngừng bắn tại thực địa.
Dù vẫn còn một số quan điểm hoài nghi về việc thực hiện thỏa thuận Minsk trên thực tế, song dư luận quốc tế nhìn chung đều hoan nghênh và đánh giá tích cực.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon đã kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn vừa mới đạt được và các cam kết khác để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua tại miền Đông Ukraine, đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.400 người.
Mỹ cũng tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mới, cho rằng thỏa thuận này là "một bước tiến tích cực" nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và kêu gọi ngay lập tức thực thi lệnh ngừng bắn.
Lãnh đạo châu Âu thì coi đây là cơ hội để đạt được hòa bình tại Ukraine. Báo chí Pháp lại cho rằng đây mới là một thỏa thuận tối thiểu, nhưng là cần thiết để tránh nguy cơ chiến tranh. Còn việc thực thi thỏa thuận thì vẫn ở giữa "hy vọng và hoài nghi".
Theo nhiều ý kiến, thỏa thuận Minsk 2 dường như đã giải tỏa sức ép với Mỹ khi Washington đang cân nhắc gửi viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine. Và phần nào sức ép với Liên minh châu Âu vì khối này cũng phải tính đến các biện pháp thắt chặt trừng phạt nhằm vào Nga, vốn gây tác dụng ngược nặng nề tới chính nền kinh tế châu Âu. Đây là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đêm qua và các đồng minh của Ukraine không loại trừ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga nếu thỏa thuận mới thất bại./.