Nam Phi đã nhận 1 triệu liều vaccine Covishield do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất trong bối cảnh New Delhi đang tìm cách sử dụng “ngoại giao vaccine” để gia tăng hình ảnh trên toàn cầu, đặt nước này vào vị trí cạnh tranh trực tiếp với Bắc Kinh.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng, lô vaccine của Ấn Độ “là hy vọng đảo ngược tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với đất nước chúng tôi cũng như trên khắp thế giới”.
Covishield là tên địa phương của vaccine ngừa Covid-19 do Đại học Oxford và hãng AstraZeneca phát triển ở Anh, được sản xuất theo giấy phép của công ty công nghệ sinh học Viện Serum Ấn Độ.
Trong bài phát biểu trên truyền hình đầu tuần này, ông Ramaphosa cho biết, Nam Phi là một trong những nước tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. Giai đoạn 1 của chương trình chủng ngừa sẽ ưu tiên các nhân viên y tế trước khi được thực hiện tiêm chủng cho những nhóm đối tượng còn lại.
Theo Tổng thống Ramaphosa, Nam Phi dự kiến sẽ nhận thêm 500.000 liều vaccine từ Viện Serum Ấn Độ vào cuối tháng này.
Nam Phi tìm cách giành 12 triệu liều vaccine thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu. Nam Phi dự kiến sẽ nhận 2 triệu liều trong số này trước tháng 3/2021.
Nam Phi hy vọng chương trình chủng ngừa sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, vốn đã khiến 1,46 triệu người mắc và 44.399 người thiệt mạng tại nước này tính đến ngày 1/2.
Tuy nhiên, ông Ramaphosa cho biết, Nam Phi – nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi vì dịch Covid-19, trong đó có cả biến thể 501Y.V2 có tốc độ lây lan nhanh, đang chứng kiến số ca mắc ghi nhận mỗi ngày giảm dần.
“Số ca mới trung bình mỗi ngày đã chững lại và giảm gần một nửa so với trước đây. Số ca nhập viện cũng đang giảm”, ông nói, đồng thời cho biết các biện pháp hạn chế như lệnh giới nghiêm có thể sẽ được nới lỏng dần.
Mặt trận mới trong cạnh tranh địa chiến lược
Nam Phi cùng các nước châu Phi khác đã bắt đầu chương trình chủng ngừa, trong đó có Ma Rốc, Ai Cập và Seychelles, chủ yếu sử dụng các vaccine từ Trung Quốc.
Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và đang tận dụng lợi thế này để cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước láng giềng cũng như các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi. Ấn Độ cam kết tài trợ hoặc bán 20 triệu liều vaccine cho các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, Sri Lanla. Afghanistan, Seychelles và Mauritius.
Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi tuần trước xác nhận Ấn Độ đã đồng ý cung cấp cho lục địa này thêm 400 triệu liều vaccine Covid-19.
Châu Phi ban đầu ký thỏa thuận mua 270 triệu liều vaccine từ Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Lục địa này dự kiến cũng sẽ nhận 400 triệu liều từ Ấn Độ và 700 triệu mũi tiêm qua sáng kiến Covax nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp.
Lawrence Gostin, Giám đốc viện O’Neil về Luật y tế quốc gia và toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết, Ấn Độ, đặc biệt là Viện Serum, chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vaccine ra thế giới, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo ông Gostin, Ấn Độ và Trung Quốc đã mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị suốt nhiều năm qua và sự đối đầu giữa 2 bên ngày càng căng thẳng. Trung Quốc lâu nay vẫn luôn tìm cách gia tăng ảnh hưởng chính trị, thương mại và ngoại giao từ hỗ trợ nhân đạo.
“Trung Quốc đã tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để giành lợi thế về kinh tế và quân sự. Trung Quốc cũng đang tận dụng vaccine Covid-19 để giành lợi thế địa chiến lược tương tự. Tuy nhiên, Ấn Độ lại không có lịch sử tìm cách giành lợi ích đặc biệt từ viện trợ y tế. New Delhi lâu nay được xem như đối tác hữu ích trong việc cung cấp thuốc men và vaccine giá cả phải chăng cho các nước có thu nhập thấp hơn. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài”, ông Gostin nói.
Ngày Nam Phi nhận được lô vaccine của Ấn Độ, Trung Quốc cũng tuyên bố đã gửi lô vaccine Covid-19 tới Pakistan – đối thủ của Ấn Độ. Điều này khiến vaccine Covid-19 trở thành mặt trận mới để cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị.
Hôm 1/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố rằng, bên cạnh việc chuyển vaccine tới Islamabad, Trung Quốc cũng sẽ viện trợ vaccine tới Brunei, Nepal, Philippines, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Sierra Leone, Zimbabwe và Guinea Xích đạo.
Ấn Độ đã đi trước Trung Quốc?
Theo Tân hoa xã, Zimbabwe, Sierra Leone và Guinea Xích đạo sẽ là 3 nước châu Phi đầu tiên nhận vaccine viện trợ từ Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 cho 38 nước đang phát triển khác. Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong cơ chế Covax do WHO dẫn đầu và sẽ cung cấp vaccine qua cơ chế này tới các nước đang phát triển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.
Ông Uông Văn Bân cũng nói rằng, các vaccine của Sinopharm và Sinovac đã được xuất khẩu tới nhiều nước, trong đó có UAE, Ma Rốc, Indonesia, Turkey, Brazil và Chile – những nơi tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine của Trung Quốc.
Akhil Bery, nhà phân tích các vấn đề Nam Á tại Tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia cho biết, Ấn Độ ở vị thế khá tốt trong cuộc đua ngoại giao vaccine vì nước này sản xuất khoảng 60% vaccine trên thế giới.
“Cuộc cạnh tranh ngoại giao vaccine giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu ở Nam Á. Ấn Độ viện trợ vaccine cho các nước láng giềng từ trước khi Trung Quốc làm điều tương tự, và giờ Bắc Kinh đang tìm cách bắt kịp New Delhi”, Berry nói.
Theo ông Berry, Ấn Độ đã tuyên bố sẽ viện trọ 10 triệu liều vaccine tới châu Phi và nhiều khả năng sẽ tiếp tục viện trợ khi có thêm nhiều loại vaccine khác chứng minh được hiệu quả.
“Do đó chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến cuộc đua ngoại giao vaccine giữa Ấn Độ và Trung Quốc khi đôi bên cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực mềm”, ông Berry nói./.