Nỗ lực lấp đầy khoảng trống của Bắc Kinh
Số ca mắc Covid-19 tại Nepal hiện nay đã tăng lên đến hơn 3.000 ca mỗi ngày từ mức dưới 100 ca/ngày vào tháng 3. Nước này cũng đang báo động về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và Anh. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính, một chỉ dấu cho thấy tốc độ lây lan của virus, đã tăng lên đến 25%, cao hơn cả Ấn Độ.
Bangladesh cũng đang gồng mình đối phó với sự hoành hành của dịch bệnh, mặc dù số ca mắc mới theo ngày của nước này đã giảm từ mức cao nhất xuống còn khoảng 3.500 ca trong tháng này. Số ca bệnh cũng đang gia tăng đáng kể tại Pakistan và Sri Lanka.
Thời gian trước đó, Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã nỗ lực củng cố vị thế cường quốc khu vực bằng cách cung cấp vaccine cho các nước láng giềng. Trước khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xảy ra, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 20 triệu liều vaccine cho các nước láng giềng. Một phần trong số này được chuyển giao theo hình thức cho tặng, một phần được chuyển giao thông qua các hợp đồng thương mại. Trong chuyến thăm Bangladesh vào tháng 3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tặng nước này 1,2 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca.
Nhưng làn sóng mới ập tới khủng khiếp đến mức New Dehli phải ngừng gần như tất cả hoạt động xuất khẩu vaccine và dựa vào sự hỗ trợ y tế từ nước ngoài. Trong những tuần gần đây, Mỹ, Anh, EU và nhiều nước khác đã cung cấp oxy, nguyên liệu chế tạo vaccine và các trang thiết bị bảo hộ y tế khác cho Ấn Độ.
Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục thế giới về số ca mắc mới theo ngày trong những ngày gần đây. Riêng ngày 28/4, nước này đã ghi nhận thêm 360.000 ca mắc mới, trở thành nước đứng thứ 4 trên thế giới vượt mốc 200.000 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng, số ca tử vong trên thực tế thậm chí còn cao hơn số liệu được công bố chính thức. Nhiều nước đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ do lo ngại ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 mới.
Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà Ấn Độ để lại trong bối cảnh các quốc gia phụ thuộc vào vaccine Covid-19 do Ấn Độ sản xuất đang hoang mang. Bắc Kinh cam kết thiết lập “một nguồn cung khẩn cấp” cho các quốc gia Nam Á, tại hội nghị trực tuyến với 5 quốc gia trong khu vực gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh vào ngày 27/4. Sau hội nghị, Bangladesh cho biết đã đề nghị Trung Quốc cung cấp vaccine trong thời gian sớm nhất có thể, còn Nepal nói rằng Bắc Kinh đã ngỏ ý cung cấp trang thiết bị y tế và những nguyên liệu cần thiết cho nước này.
Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với các nước Nam Á trong suốt đại dịch, trong đó có một hội nghị với Afghanistan, Pakistan và Nepal vào tháng 7/2020, một hội nghị khác với Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh vào tháng 11/2020, tiếp đến là 2 hội nghị với 5 nước Nam Á nói trên kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, không một hội nghị nào có sự tham gia của Ấn Độ.
Lý giải về điều này, Liu Zongyi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết: “Không phải chúng tôi không muốn làm việc với Ấn Độ - chúng tôi đã thể hiện thiện chí, nhưng quan hệ giữa hai bên đang quá tồi tệ”.
“Ấn Độ ở thế phòng thủ, còn Trung Quốc ở thế tấn công”
Giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Ấn Độ đã tạo lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh kéo dài để giành ảnh hưởng trong khu vực, vốn đã trở nên gay gắt hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Constantino Xavier, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Kinh tế và Xã hội - một tổ chức tư vấn ở New Delhi đánh giá: “Đây giống như là một trận đấu quyền anh với rất nhiều hiệp đấu. Hiện giờ, Ấn Độ đang ở thế phòng thủ còn Trung Quốc đang ở thể tấn công mạnh mẽ, lợi dụng những mối bận tâm trong nước của Ấn Độ”.
Theo SCMP, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước ở đông Ladakh đã ngăn cản sự hợp tác giữa các bên trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và mở đường cho Bắc Kinh củng cố quan hệ với những nước nhỏ hơn trong khu vực vốn có quan hệ gần gũi với New Dehli thông qua viện trợ và cung cấp các nguồn lực y tế.
Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi nghiêm trọng vào tháng 6/2020, sau những cuộc đụng độ đẫm máu tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Dù hai bên đạt được thỏa thuận rút quân khỏi biên giới vào tháng 2/2021, nhưng vẫn chưa có bất cứ một giải pháp lâu dài nào để giải quyết tranh chấp, bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng.
Amit Ranjan, chuyên gia về chính trị Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, căng thẳng chính trị đang diễn ra và nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đã khiến Ấn Độ dè dặt trước lời đề nghị hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bắc Kinh.
“Căng thẳng biên giới vẫn chưa lắng xuống, trong khi đó, hai bên cùng chạy đua trong chiến dịch ngoại giao vaccine. Khi dịch bệnh không tồi tệ như hiện nay, Ấn Độ đã cung cấp vaccine cho các quốc gia ở Nam Á, và trước đó là hỗ trợ máy thở cùng các trang thiết bị khác. Trung Quốc và Ấn Độ đã cố gắng để cung cấp ngày càng nhiều vaccine và cơ sở hạ tầng hơn cho các nước khác trong khu vực”, ông Amit Ranjan nói.
Ấn Độ từng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 và sự hợp tác về cơ sở hạ tầng để gia tăng ảnh hưởng với các nước láng giềng của quốc gia này. Mối lo ngại càng trở nên lớn hơn ở thời điểm hiện tại khi Trung Quốc khi thì xuất khẩu, lúc thì viện trợ vaccine cho hàng chục quốc gia trên thế giới, còn Ấn Độ phải kêu gọi sự hỗ trợ từ vaccine, oxy đến máy trợ thở.
Nhưng Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Học viện Giáo dục Đại học Manipal của Ấn Độ cho rằng: “Ấn Độ có mối liên hệ về lịch sử và xã hội chặt chẽ với nhiều quốc gia ở Nam Á. Những mối liên hệ này sẽ khó bị lay chuyển bất chấp nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấp đầy khoảng trống. Không giống như một số quốc gia khác chỉ tập trung vào việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa, Ấn Độ có ảnh hưởng với tất cả các nhóm xã hội tại khu vực Nam Á”./.