Triều Tiên ngày 25/3 đã phóng thử tên lửa đạn đạo lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Động thái này diễn ra khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tăng cường năng lực quân sự, gây sức ép lên Washington trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân vẫn bị đình trệ.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, các quan chức ở Seoul đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử tên lửa trong chưa đầy 1 tuần qua, trong khi chính quyền Biden vẫn đang tìm cách hoàn tất đánh giá chính sách đối với Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thì cho biết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa “hòa bình, an toàn của Nhật Bản và khu vực”, Tokyo sẽ phối hợp chặt chẽ với Washington và Seoul để đưa ra phản ứng đối với các hoạt động thử nghiệm của Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Ấn Đông Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đại úy Mike Kafka cho biết, quân đội Mỹ đã nắm thông tin về vụ phóng và đang theo dõi tình hình trong khi tiến hành tham vấn chặt chẽ với các đồng minh.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ giấu tên tiết lộ, thông tin mà Mỹ thu thập được hoàn toàn trùng khớp với thông tin từ phía quân đội Hàn Quốc, nói rằng những đánh giá ban đầu cho thấy Triều Tiên đã phóng hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

“Hoạt động này làm nổi bật mối đe dọa mà chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, Kafka nói.

Trong quá khứ, Triều Tiên vẫn thường “thử thách” các chính quyền mới của Mỹ thông qua các vụ phóng tên lửa và một số hành động khiêu khích khác nhằm gây sức ép, buộc Mỹ quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa hôm nay (25/3) được đánh giá là hành động khiêu khích “có chừng mực” hơn so với các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa năm 2017 – động thái vốn gây lo ngại bùng nổ chiến tranh, trước khi Triều Tiên chuyển hướng sang đối thoại với chính quyền Donald Trump vào năm 2018.

Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên sẽ dần dần tăng cường các hoạt động phô diễn vũ khí tương tự để tạo lợi thế thương lượng khi họ muốn quay trở lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ, tận dụng vũ khí hạt nhân để đổi lấy những lợi ích kinh tế cần thiết.

Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phản ứng như thế nào trước khi hoàn tất đánh giá chính sách về Triều Tiên trong những tuần tới. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho tới nay vẫn phớt lờ những nỗ lực của chính quyền Biden trong việc tiếp cận, nói rằng họ sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán vô nghĩa trừ khi Washinton từ bỏ chính sách thù địch của mình.

"Chúng tôi muốn cảnh báo chính quyền mới của Mỹ không phát tán mùi thuốc súng từ biển vào đất của chúng tôi. Nếu họ muốn ngủ ngon trong 4 năm tới, tốt hơn hết là đừng gây sự ngay từ đầu", Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 16/3 dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo. Bà Kim Yo Jong cũng đe dọa sẽ hủy thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký kết năm 2018 và giải tán cơ quan xử lý các vấn đề xuyên biên giới.

Biden sẽ xử lý ra sao?

Nếu so sánh cách tiếp cận của ông Trump và ông Obama đối với vấn đề Triều Tiên, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt trong phong cách của hai nhà lãnh đạo này, nhưng yêu cầu thực chất của họ đối với phía Triều Tiên là giống nhau: Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau đó mới có thể nghĩ đến việc Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Chiến dịch tranh cử của Biden từng gợi mở rằng đây cũng chính là cách tiếp cận của ông. Trong cuộc tranh luận cuối cùng trước bầu cử, ông Biden nói rằng ông sẽ chỉ gặp ông Kim Jong Un sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Như vậy, nói gì thì nói, yêu cầu đầu tiên là Triều Tiên vẫn phải phi hạt nhân hóa. Nhưng điều này chắc chắn sẽ không xảy ra. Bài bình luận trên The Week đánh giá, Triều Tiên hiểu rất rõ về điều này. Niềm tin (không phải vô lý) của Bình Nhưỡng là nếu giải giáp kho vũ khí hạt nhân của họ, Mỹ sẽ có thể can thiệp, làm thay đổi chế độ ở nước này và ông Kim không còn chỗ đứng. Triều Tiên có thể nhìn thấy bài học từ Iraq và Libya.

Theo The Week, nếu Tổng thống Biden muốn vạch ra một lộ trình mới thì bản thân ông phải định hướng lại quan điểm của mình về phi hạt nhân hóa. Đương nhiên, sẽ là lý tưởng nếu đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều này sẽ không thể đạt được trong tương lai gần. Phi hạt nhân hóa là mục tiêu dài hạn, là đỉnh cao của mối quan hệ dần dần được bình thường hóa, được củng cố bởi chính sách đối ngoại kiềm chế hơn của Mỹ.

Trước mắt, có lẽ Tổng thống Biden nên hạ thấp đáng kể kỳ vọng của mình và tìm kiếm những nhượng bộ mà Bình Nhưỡng có thể thật sự thực hiện được. Phi hạt nhân hóa là một điều tuyệt vời, một hiệp ước hòa bình cho Chiến tranh Triều Tiên sẽ mang lại lợi ích cho người dân trên Bán đảo Triều Tiên. Cá nhân ông Biden có thể sẽ không giành được chiến thắng này trong nhiệm kỳ của mình, nhưng ông hoàn toàn có thể tiếp tục đặt nền móng cho hòa bình. Điều này có thể mất nhiều thập kỷ kiên nhẫn đàm phán, với cả những thất bại. Nhưng sau cùng, nếu các bên có thiện chí, thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ không phải là điều không tưởng!./.