Chấm dứt “cuộc chiến không hồi kết” của Mỹ
Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan theo lời khuyên của một số cố vấn cấp cao tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhiều quan chức hiện tại và cựu quan chức như Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Frank McKenzie, lãnh đạo Tư lệnh Trung ương Mỹ và một số quan chức Bộ Ngoại giao bày tỏ lo ngại rằng, việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan có thể ảnh hưởng tới nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ. Họ cũng bày tỏ lo ngại về an ninh của các nhà ngoại giao Mỹ tại Afghanistan.
Trước đó, khi cựu Tổng thống Donald Trump cân nhắc việc rút quân ở Afghanistan, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã đề nghị duy trì khoảng 2.500 lính Mỹ hỗ trợ chống khủng bố và đảm bảo an ninh ngoại giao. Trong khi số lính Mỹ sẽ ở lại Afghanistan để bảo vệ phái bộ ngoại giao Mỹ vẫn còn đang được tranh luận nhưng dự kiến con số này sẽ thấp hơn.
Tổng thống Biden lên kế hoạch rút toàn bộ binh lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, 20 năm kể từ ngày quân Mỹ hiện diện ở nước này sau vụ tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới 11/9/2001.
“Tôi biết có nhiều người sẽ khẳng định rằng ngoại giao không thể thành công nếu không có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ để làm đòn bẩy”, ông Biden nói trong bài phát biểu công bố quyết định rút quân hôm 14/4, đề cập đến những lo ngại của một số người trong chính quyền của ông.
“Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một quân bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác. Điều đó không khác gì một công thức để giữ quân đội Mỹ ở Afghanistan vô thời hạn”, Tổng thống Biden nói thêm.
Các quan chức cho biết, sau chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm tại Afghanistan, ông Biden thấy rõ rằng việc dành nhiều thời gian và tiền bạc vào các vấn đề của Afghanistan sẽ không mang lại lợi ích. Quyết định rút quân được đưa ra sau việc xem xét kéo dài nhiều tháng với các cuộc họp giữa các quan chức an ninh quốc gia và quân đội của chính quyền.
Các cuộc thảo luận về việc rút quân kéo dài hơn so với dự kiến của một số quan chức Mỹ, ngay cả khi ông Biden liên tục báo hiệu rằng thời hạn ngày 1/5 do chính quyền trước đó đặt ra là gần như không thể đáp ứng được.
Theo các quan chức Mỹ, khả năng Taliban giành lại quyền lực và tình trạng bạo lực gia tăng đã được cảnh báo trong các cuộc họp trong vài tháng qua, mặc dù ông Biden liên tục phản đối lời khuyên rằng quân đội Mỹ nên ở lại Afghanistan lâu hơn nữa. Tổng thống Biden đã hứa với với cử tri rằng, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ, ngay cả khi điều đó đi ngược lại lời khuyên của các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông.
Theo CNN, quan điểm của ông Biden về việc rút quân ở Afghanistan đã được giữ vững từ lâu, kể từ khi ông là phó tổng thống.
Kinh nghiệm của Tổng thống Biden và sự thất bại của 2 người tiền nhiệm trong việc kết thúc chiến tranh, khiến ông càng tin rằng việc kéo dài thêm cuộc xung đột sẽ không giúp được gì trong việc giải quyết các vấn đề của Afghanistan.
Kể từ tháng 2, các quan chức đã tiến hành xem xét các lựa chọn thực tế tại Afghanistan. Các cuộc tham vấn gay gắt giữa các thành viên nội các và các đối tác nước ngoài đã diễn ra sau đó.
Trong số những người ủng hộ việc rút quân, Tướng Mark Milley cho rằng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan có thể khiến chính phủ ở Kabul sụp đổ và đẩy lùi quyền phụ nữ, theo những người am hiểu vấn đề cho biết.
Một quan chức quân sự cấp cao cho biết, hiện tại quyết định của ông Biden đã được đưa ra, Lầu Năm Góc sẽ bắt đầu thực hiện việc rút quân.
“Các nhà lãnh đạo quân sự đã liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và sẵn sàng cho việc rút quân. Họ đã sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này”, vị quan chức nói.
Hôm 14/4, khi được hỏi liệu lực lượng đồng minh của Mỹ có đồng ý về việc rút quân hay không, ông Austin nói rằng: “Tôi sẽ không trả lời thay họ. Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng, tiếng nói của họ đã được lắng nghe và những mối quan tâm của họ được cân nhắc khi Tổng thống Biden đưa ra quyết định”.
Việc rút quân ảnh hưởng đến tình báo Mỹ
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), vốn có tiếng nói quan trọng trong việc ra quyết định rút quân Mỹ ở Afghanistan, đã nêu ra một số lập trường rõ ràng trong các cuộc thảo luận gần đây. Trong đó, CIA ủng hộ việc quân Mỹ tiếp tục hiện diện ở Afghanistan.
Bill Burns, Giám đốc CIA, đã cảnh báo trong một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 14/4 rằng, nếu Mỹ rút khỏi Afghanistan, khả năng thu thập thông tin tình báo và hành động của CIA đối với các mối đe dọa tiềm tàng ở đó sẽ giảm đi.
Theo ông Burns, các hoạt động của CIA ở Afghanistan từ lâu đã phụ thuộc vào sự hiện diện quân đội Mỹ tại đó. Theo CNN, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về khả năng tình báo và chống khủng bố mà Mỹ có thể duy trì ở Afghanistan sau ngày 11/9.
“Có một rủi ro đáng kể khi quân đội Mỹ và quân đội liên minh rút lui, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc tại CIA và với tất cả các đối tác để cố gắng cung cấp cảnh báo chiến lược cho chính phủ Mỹ”, ông Burns nói.
Ngày 14/4, Nhà Trắng thừa nhận rằng một số cố vấn quân sự và an ninh quốc gia của Tổng thống Biden không đồng ý về việc rút quân ở Afghanistan, nhưng cuối cùng ông Biden xác định rằng sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở Afghanistan không thể giải quyết các vấn đề của đất nước.
“Tổng thống Biden hoan nghênh mọi lời khuyên để tìm ra giải pháp thích hợp cho con đường phía trước. Ông ấy muốn nghe các quan điểm khác nhau. Ông ấy hoan nghênh các cuộc tranh luận”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên.
Quyết định mạo hiểm của Tổng thống Biden?
Đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, việc rút quân đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, đặc biệt là về cách Mỹ sẽ đảm bảo việc bảo vệ sự hiện diện ngoại giao ở Afghanistan, bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.
Đầu tháng 4, khi được hỏi liệu ông Biden có phạm sai lầm khi nói rằng sẽ không thể nhìn thấy quân đội Mỹ ở Afghanistan vào cuối năm hay không, Ngoại trưởng Blinken nói rằng: “Đó là sự phản ánh hoàn toàn chính xác suy nghĩ của ông ấy. Tôi nghĩ đó không phải là một sai lầm”, Ngoại trưởng Mỹ nói. Ông Blinken sẽ ủng hộ một cách tiếp cận có thể mang lại cơ hội tốt nhất cho ngoại giao.
Theo các nguồn tin thân cận, chưa có quyết định cuối cùng về việc có bao nhiêu binh sĩ sẽ ở lại để bảo vệ đại sứ quán và còn quá sớm để suy đoán về việc quân đội bảo vệ sự hiện diện ngoại giao ở Kabul sẽ như thế nào. Đồng thời, Mỹ vẫn chưa biết Taliban sẽ phản ứng ra sao trước quyết định này.
Các quyết định khác về Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cũng chưa được đưa ra. Đại sứ quán không có đơn vị y tế riêng do phụ thuộc vào nhân viên y tế của quân đội, một quan chức Bộ Ngoại giao giải thích, bởi vậy đại sứ quán sẽ phải thành lập một văn phòng nội bộ, mà chi tiết vẫn đang được nghiên cứu.
Bất chấp sứ mệnh duy trì và tăng cường sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Afghanistan, các nhà ngoại giao lo ngại Taliban có thể thực hiện một cuộc tấn công vào Kabul.
Nhiều quan chức Bộ Ngoại giao tin rằng, sau khi Mỹ rút quân vào tháng 9, bạo lực có thể leo thang nghiêm trọng đến mức Mỹ có thể phải đóng cửa đại sứ quán. Những người khác nói rằng, đại sứ quán sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì hoạt động ở một số khả năng, một phần vì đây là khoản đầu tư cực kỳ tốn kém đối với chính phủ Mỹ.
Các nhà ngoại giao đang đưa ra dự đoán về sự sụp đổ của các đại sứ quán trong vòng vài năm tới, với các báo cáo tình báo rằng Taliban có khả năng sẽ khẳng định lại quyền kiểm soát đất nước nếu không có thỏa thuận chính trị giữa chính phủ Afghanistan và Taliban trước khi quân đội Mỹ rời đi./.