Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ vào lễ tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Trong bài phát biểu tại Phòng Hiệp ước của Nhà Trắng, nơi cựu Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến ở Afghanistan cách đây gần 20 năm, Tổng thống Biden tuyên bố đã đến lúc kết thúc cuộc chiến này.
"Mỹ sẽ bắt đầu đợt rút quân cuối cùng vào ngày 1/5 năm nay. Chúng tôi sẽ không tiến hành một cách vội vàng, mà sẽ làm điều đó một cách có trách nhiệm, thận trọng và an toàn. Chúng tôi sẽ làm điều đó thông qua phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác của mình, những nước hiện có nhiều lực lượng ở Afghanistan hơn. Lực lượng Taliban nên hiểu rằng nếu họ tấn công chúng tôi khi rút quân, chúng tôi sẽ bảo vệ chính mình và các đối tác bằng tất cả những công cụ tùy ý", ông Biden nói.
Nếu thời hạn rút quân của Tổng thống Biden được tuân thủ thì đây sẽ là bước cuối cùng để khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, vốn khiến khoảng 2.400 binh sĩ tử trận và ước tính thiệt hại lên tới khoảng 2.000 tỷ USD.
Ngay sau khi công bố kế hoạch rút quân, Tổng thống Biden đã đến thăm khu vực 60 của nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi chôn cất các binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và cam kết hợp tác chặt chẽ trên những ưu tiên chung, trong đó có nỗ lực mang lại hòa bình cho Afghanistan.
Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết tiếp tục mối quan hệ đối tác bền chặt sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan, bao gồm cả hỗ trợ về phát triển, nhân đạo và an ninh.
Tuy nhiên, các quan chức quân đội và tình báo Mỹ đang bày tỏ nghi ngại về kế hoạch rút quân của Tổng thống Biden, cũng như năng lực của các lực lượng an ninh Afghanistan khi không còn sự hỗ trợ của quân đội Mỹ.
Tháng trước, Tướng Richard Clarke, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Mỹ cho rằng sự hỗ trợ về quân sự của Washington là rất quan trọng đối với thành công của các lực lượng Afghanistan. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 14/4, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ William Burns cũng thừa nhận khả năng thu thập thông tin tình báo về các mối đe dọa ở Afghanistan sẽ suy giảm khi quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Những nghị sĩ Mỹ theo đường lối cứng rắn cũng bày tỏ phản đối về kế hoạch rút quân mà Tổng thống Biden vừa công bố./.