may-bay1.jpg
Công việc tìm kiếm máy bay mất tích vẫn đang được triển khai tích cực (Ảnh: Malaysia Times)

Đã hơn hai tuần trôi qua, những người thân của hành khách đi trên máy máy Malaysia mất tích vẫn ngóng chờ tin. Hoạt động tìm kiếm máy bay vẫn đang được triển khai tích cực. Australia cho rằng đã tìm được “chứng cứ tốt nhất” về MH370.

Trong cuộc họp báo vừa diễn ra lúc 15h30’ ngày 20/3 (giờ địa phương, tức 11h30’ cùng ngay theo giờ Việt Nam), cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) cho biết một trong hai vật thể nghi của máy bay bị mất tích mang số hiệu MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines dài tới 24m, đồng thời cho biết đây là "chứng cứ tốt nhất” từ trước đến nay liên quan đến vụ máy bay Malaysia bị mất tích.

Ngày 22/3, Thủ tướng Australia nói: “Chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta đang đi đúng hướng trong việc tìm kiếm máy bay mất tích”.

“Ngày 22/3, một trong số các máy bay dân sự tham gia tìm kiếm đã nhìn thấy một vài vật thể trên một khu vực nhỏ trong toàn bộ khu vực tìm kiếm của Australia”, ông Abott cho biết.

“Vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định điều gì nhưng rõ ràng là bây giờ chúng ta đã có những đầu mối rất tin cậy và khiến chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta đang đi đúng hướng trong việc tìm kiếm máy bay mất tích”, ông Abbott nói.

“Những hình ảnh vệ tinh mới của Trung Quốc cho thấy ít nhất có một vật thể lớn tại đó và điều này là hoàn toàn trùng khớp với những hình ảnh vệ tinh trước đó”, ông Abbott nhấn mạnh.

“Sẽ có thêm 4 máy bay tham gia tìm kiếm ngày 23/3 bao gồm 2 của Trung Quốc và 2 của Nhật Bản”, ông Abbott cho biết.

Hiện tại, nhà chức trách Malaysia hiện đang phải đối mặt với không ít những chỉ trích từ phía dư luận, đặc biệt là từ thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH370. Những người này cho rằng, Chính phủ Malaysia đã bưng bít thông tin và xử lý tình huống một cách “thụ động”.                    

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga (Ảnh: Ria)

Cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn là sự kiện quan tâm hàng đầu của dư luận trong tuần qua. Ngày 21/3Tổng thống Nga Putin ký luật chính thức sáp nhập Crimea.Đây là thủ tục pháp lý cuối cùng để Crimea chính thức trở thành một thực thể của Nga.

Việc sáp nhập hoàn toàn Crimea theo đúng luật pháp và quy định của Nga có thể sẽ diễn ra cho đến năm tới. Các quy định tại các thực thể mới thuộc Nga này sẽ được thay đổi phù hợp với việc sử dụng đồng tiền ruble, các lợi ích an sinh xã hội, các yêu cầu về thuế và các quy định pháp lý của Nga.

Nga cũng duy trì các chức vụ quân đội của những binh sỹ Ukraine đã chọn sang phục vụ cho Nga cũng như ưu tiên cho những quan chức Ukraine được tại vị tại Crimea.

Thêm vào đó, Moscow cũng đã cấp giấy chứng nhận là công dân Nga cho tất cả công dân Crimea. Việc cấp giấy tờ này sẽ được tự động tiến hành trừ trường hợp công dân đó chọn không nhận quốc tịch Nga trong vòng 1 tháng kể từ thời điểm Hiệp ươc sáp nhập có hiệu lực.

Chính phủ lâm thời tại Crimea sẽ được thay thế bằng một Chính phủ mới sau cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2015.

Tuy nhiên, việc Crimea sáp nhập Nga đã khiến cho Mỹ và phương Tây không mấy hài lòng, và cả Mỹ và EU đều áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, bao gồm đóng băng tài sản và giao dịch bằng USD đối với 20 quan chức và công dân Nga và ngân hàng Rossiya.

Để cảnh báo Nga, Tổng thống Obama cho biết ông đã ký một sắc lệnh cho phép Bộ Tài chính Mỹ áp dụng trừng phạt đối với các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Bất chấp trừng phạt của Mỹ và EU, Nga vẫn tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea. Bên cạnh đó Tổng thống Vladimir Putin chế giễu các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên nước Nga. Ông nói ông sẽ mở một tài khoản tại Ngân hàng Rossiya bị Mỹ trừng phạt. Trong một cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao của đất nước ông nói thêm rằng ông sẽ không áp dụng chế độ thị thực đối với Ukraine.

Cao ủy châu Âu Catherine (trái) và Ngoại trưởng Iran Zarif  (Ảnh: AFP)

Iran và P5+1 tiếp tục đàm phán vào tháng 4 tới. Đó là kết quả của cuộc đàm phán 2 ngày diễn ra 18-19/3 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) tại Vienna, Áo. Iran và P5+1 vẫn đang tiến những bước chậm nhưng chắc đến 1 thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. 

Tuyên bố chung của Cao ủy châu Âu phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đánh giá vòng đàm phán lần này là “thực chất và hữu ích” bởi vì các bên đã tham vấn về hàng loạt vấn đề như hoạt động làm giàu uranium, lò phản ứng nước nặng Arak, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự vì mục đích hòa bình và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Tên lửa của Hàn Quốc (Ảnh: AP)

Chỉ trong hai ngày 22 và 23/3, Triều Tiên đã phóng 46 tên lửa tầm ngắn.

Bình Nhưỡng cho biết những vụ phóng tên lửa nói trên là một phần các cuộc tập trận và phòng vệ của nước này. Tuy nhiên số lượng những đợt phóng tên lửa của Triều Tiên đã tăng lên bất thường trong năm nay.

Chỉ riêng trong tháng 3 này, Triều Tiên đã có 5 đợt phóng tên lửa diễn ra đồng thời với các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà nước này cáo buộc là để chuẩn bị xâm lược Triều Tiên.

Tuần trước, Triều Tiên cũng phóng đi 25 quả tên lửa với tầm bắn khoảng 70km.

Hành động của Triều Tiên khiến nhiều nước lo ngại.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok đã tuyên bố: “Triều Tiên nên dừng những hành động có thể gây căng thẳng quân sự và khiến các nước láng giềng phải lo ngại. Việc tiến hành những hành động khiêu khích như vậy mà không hề cảnh báo trước có thể gây nguy hiểm rất lớn cho các tàu thuyền đi lại trên vùng biển nói trên”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng cần phải kiềm chế không leo thang căng thẳng thêm nữa.

Hy vọng những cuộc biểu tình tại Thái Lan sẽ giảm bớt (Ảnh: AFP)

Tình hình Thái Lan có vẻ dịu đi khi chính phủ Thái Lan dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Thay vào đó, Thái Lan sẽ áp dụng đạo luật An ninh nội địa, đạo luật này dự kiến có hiệu lực đến ngày 30/4.

Ngày 18/3, Chính phủ Thái Lan đã nhóm họp và ra quyết định dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trước thời hạn, việc dỡ bỏ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/3. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố vào ngày 21/1, có hiệu lực trong 60 ngày, được áp dụng tại thủ đô Bangkok và một số tỉnh phụ cận.

Việc dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được đưa ra sau khi có những đánh giá của giới hữu quan cho rằng, tình hình căng thẳng tại Bangkok đã lắng xuống, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy.

Trong khi đó, tại Bangkok, trong những ngày gần đây, tiếp tục xảy ra các vụ sử dụng vũ khí quân dụng bắn vào các địa điểm nhạy cảm cũng như bắn vào nhà riêng của thủ lĩnh cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Một bệnh nhân mắc dịch đang được đi cấp cứu (Ảnh: AFP)

Tại Guinea, dịch bệnh lạ bùng phát, ít nhất 59 người chết. Giáo sư Sakoba Keita thuộc Bộ Y tế Guinea cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh là sốt và nôn mửa.

Nhiều trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, tiêu chảy, nôn mửa và chảy máu. Các triệu chứng của căn bệnh cũng giống với sốt virus cấp tính vùng nhiệt đới châu Phi và sốt vàng da… Các chuyên gia y tế đã được cử tới vùng dịch bệnh để xác định rõ căn bệnh dễ lây nhiễm này. 

Khoảng 30 mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Pháp để phân tích và sẽ có kết quả trong khoảng 48 giờ. Giới chức y tế Guinea đã triển khai các biện pháp chống lây lan tại vùng dịch bệnh. Khoảng 3.000 bộ dụng cụ y tế đang được chuẩn bị để phân phát cho nhân viên y tế và người dân vùng dịch. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cũng đã gửi tới đây 100 tấn trang thiết bị y tế./.