Các bên đã ấp ủ quá trình này cách đây hơn 1 năm và đẩy nhanh tiến độ sau khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Kế hoạch B của Australia
CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, các cuộc thảo luận đều được giữ kín, ngay cả trong chính phủ các nước liên quan, do tính chất nhạy cảm của công nghệ, nguy cơ khiến Trung Quốc tức giận và mối lo ngại rằng bất cứ thông tin nào rò rỉ ra ngoài có thể làm hỏng toàn bộ kế hoạch.
Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison đã âm thầm thành lập một tiểu ban nội các mới tập trung vào lĩnh vực đóng tàu hải quân do ông đứng đầu. Ủy ban này được thành lập để cung cấp lời khuyên cho ủy ban an ninh quốc gia, có nhiệm vụ giám sát và theo dõi liệu các dự án như dự án đóng tàu ngầm tương lai để xem xét liệu công việc có diễn ra theo đúng cam kết trong thỏa thuận hay không.
Ông Morrison cũng bổ nhiệm cựu chủ tịch của Ban cố vấn đóng tàu quốc gia, Giáo sư Don Winter làm cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng, ABC cho biết. Don Winter từng là cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ - trước đây đã hỗ trợ Australia đánh giá các dự án quốc phòng.
Vào thời điểm đó, Thư ký Bộ Quốc phòng Australia Greg Moriarty khẳng định, chính phủ Australia “cam kết sẽ cố gắng hợp tác với tập đoàn đóng tàu Naval Group của Hải quân Pháp” để giải quyết những thách thức liên quan đến chương trình đóng tàu ngầm lớp Attack, nhưng nước này cũng đang dự trù một kế hoạch dự phòng hay còn gọi là kế hoạch B.
Theo Guardian, các cuộc thảo luận bí mật về kế hoạch B đã được tiến hành đầu tiên giữa Australia và Anh vào tháng 3 hoặc tháng 4/2021. Sau đó, có sự tham gia của Mỹ. Theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, quá trình tiến tới thỏa thuận “được thực hiện với quyết tâm cao độ”.
Bí mật được giữ kín đến phút chót
Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên đã được tiến hành trong suốt mùa Xuân, trước khi vấn đề này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, diễn ra tại Cornwall (Anh) vào tháng 6/2021.
Tuy vậy, không có thông tin công khai nào về thỏa thuận tàu ngầm giữa Anh, Mỹ và Australia vào thời điểm đó, mặc dù Nhà Trắng cho biết, trong các cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo “nhất trí rằng bối cảnh chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi và đó là lý do chính đáng cho thấy cần phải thúc đẩy sự hợp tác chiến lược giữa 3 chính phủ”.
Theo CNN, Tổng thống Biden cũng có cuộc gặp Tổng Pháp Emmanuel Macron trong ngày hôm đó và hai nhà lãnh đạo có vẻ rất thân thiết. Camera đã cho thấy hình ảnh hai người khoác vai nhau và đi bộ từ bãi biển đến nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7. Cuộc đối thoại “một-một” giữa ông Biden và ông Macron, diễn ra trên boong tàu nhìn ra Vịnh Carbis dường như diễn ra rất cởi mở.
Tuy nhiên, các quan chức của Mỹ và Pháp cho biết, thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Australia-Anh-Mỹ, không được nhắc đến. Nó cũng không xuất hiện trong các cuộc gặp sau đó giữa các quan chức hàng đầu của Pháp và Mỹ.
Về phía Australia, vài ngày sau Thượng đỉnh G7, ông Morrison đã có cuộc gặp với ông Emmanuel Macron tại thủ đô Paris. Mối lo ngại liên quan đến chương trình hợp tác đóng tàu ngầm giữa hai nước là chủ đề chính trong cuộc gặp này. Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Morrison cho biết ông không loại trừ khả năng rời bỏ dự án khi 2 bên tới giai đoạn tiếp theo trong hợp đồng.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Morrisson cho biết, trong các cuộc trò chuyện, ông nói “rõ ràng” với nhà lãnh đạo Pháp “những vấn đề rất thực tế” về việc liệu các tàu ngầm thông thường có phù hợp với môi trường chiến lược đang thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dươnghay không.
Không rõ thông điệp này được truyền đạt thẳng thắn ở mức độ nào, nhưng theo Guardian, không có dấu hiệu lo ngại nào trong các phát biểu công khai của Tổng thống Pháp ở thời điểm đó. Ông Macron cho biết, các tàu ngầm do Pháp chuyển giao sẽ “củng cố vị thế và đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền, quyền tự chủ chiến lược của Australia”.
Hệ lụy từ quyết định của Australia
Australia trước đó ký hợp đồng trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm tấn công lớp Attack. Tuy nhiên, Canberra đã quyết định hủy hợp đồng này để chuyển sang đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ do Mỹ và Anh chuyển giao. Điều này đã khiến Pháp nổi cơn thịnh nộ.
Phát biểu với CNN, Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Étienne cho biết, chính phủ nước này không hề hay biết về thỏa thuận 3 bên nói trên cho đến ngày 15/9 – thời điểm nó được công bố.
“Đó là một điều bất ngờ. Bất ngờ hơn nữa là các đồng minh thân thiết đều tham gia rất nhiều vào kế hoạch này”.
Tuy vậy, phía Mỹ cho biết đã thông báo với Pháp trước khi thỏa thuận tàu ngầm với Australia được chính thức hóa trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào chiều 15/9. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng nói rằng, ông đã có các cuộc trò chuyện với phía Pháp khoảng 24 đến 48 giờ trước thời điểm công bố.
Giới phân tích cho rằng, ngoài việc biết thông tin quá muộn, một trong những lý do khiến Pháp tức giận trước thỏa thuận đóng tàu của Australia với Mỹ và Anh là vì Pháp có kinh nghiệm đóng tàu ngầm hạt nhân nhưng nước này đã đồng ý chế tạo tàu ngầm diesel-điện dựa trên các thông số kỹ thuật ban đầu do chính phủ Australia cung cấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dutton bảo vệ quyết định của chính phủ Australia, nêu rõ, “nước này đã xem xét những lựa chọn sẵn có” và thấy rằng “các tàu ngầm của Pháp không vượt trội hơn so với các tàu ngầm mà Mỹ và Anh vận hành”.
"Cuối cùng, quyết định mà chúng tôi đưa ra dựa trên những gì có lợi nhất cho an ninh quốc gia của chúng tôi cũng như an ninh và hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Dutton khẳng định.
Truyền thông Australia cho biết, đến nay nước này đã chi khoảng 2,4 tỷ AUD cho dự án chế tạo tàu ngầm với Pháp. Việc hủy hợp đồng này cũng sẽ khiến Australia phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ song đến lúc này chưa biết số tiền đền bù sẽ là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch đóng mới 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận mới giữa Australia-Anh-Mỹ. Những chiếc tàu ngầm đầu tiên trong dự án này có thể sẽ không đi vào hoạt động cho đến năm 2040 – khoảng thời gian quá lâu tại một khu vực mà chính phủ Australia cho là ngày càng gia tăng căng thẳng.
Theo một quan chức Mỹ, các bên đều tin rằng, vụ việc sẽ không làm tổn hại vĩnh viễn mối quan hệ giữa Mỹ với Pháp hay giữa Pháp với Australia, nhưng thừa nhận sẽ có rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Trong khi đó quan hệ giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron – người đang chuân bị tái tranh cử, có thể mất nhiều thời gian để hàn gắn./.