Biden vạch rõ lằn ranh đỏ, cảnh báo hậu quả với Nga về vấn đề Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu rõ những hậu quả Nga sẽ đối mặt nếu Moscow quyết định tấn công Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định trong cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 tiếng giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin ngày 7/12.
"Tổng thống Biden đã khẳng định trực tiếp với Tổng thống Putin rằng, nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phản ứng bằng những biện pháp kinh tế mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm các phương tiện phòng thủ cho Ukraine ngoài những gì chúng tôi đã cung cấp. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các đồng minh NATO tăng cường khả năng và tiến về sườn đông nhằm phản ứng trước căng thẳng leo thang”.
Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden diễn ra chỉ vài ngày sau khi một phân tích tình báo tiết lộ Moscow có thể đang lên kế hoạch tấn công Ukraine với 175.000 quân vào đầu năm tới. Trước cuộc trao đổi, ông Putin cảnh báo ông Biden không nên "vượt qua lằn ranh đỏ" liên quan đến vấn đề Ukraine, đồng thời yêu cầu sự đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông cũng như không cho phép Ukraine gia nhập liên minh này.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Sullivan, Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trong trường hợp tấn công Ukraine và Washington không loại trừ khả năng triển khai thêm quân đội Mỹ tới hỗ trợ bảo vệ các đồng minh vùng Baltic trong trường hợp Nga hành động quân sự với Ukraine.
Quan chức Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Biden "không đưa ra bất kỳ cam kết hay nhượng bộ nào" trước yêu cầu của Tổng thống Putin về việc ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Nga yêu cầu sự đảm bảo từ phương Tây, không nhượng bộ “lằn ranh đỏ”
Trong khi những đe dọa của Tổng thống Biden nhằm ngăn chặn Nga tấn công Ukraine vẫn chưa rõ ràng thì Tổng thống Putin cho thấy ông sẽ không nhượng bộ. Một thông báo được điện Kremlin công bố chỉ rõ, Tổng thống Putin cho rằng căng thẳng leo thang là lỗi do phương Tây khi NATO tăng cường quân sự ở trong và quanh Ukraine. Tổng thống Putin cũng yêu cầu "những đảm bảo pháp lý vững chắc và đáng tin cậy" từ phương Tây mà theo đó NATO sẽ không mở rộng về phía đông theo hướng biên giới của Nga hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở Ukraine.
Mặc dù điện Kremlin cho biết Tổng thống Biden nhất trí sẽ thảo luận về các yêu cầu của Tổng thống Putin nhưng các quan chức Mỹ đã phủ nhận những phân tích tình hình của Nga và tuyên bố sẽ không đưa ra bất kỳ hứa hẹn gì liên quan đến sự mở rộng NATO.
Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục gặp khó
Chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức khi các nghị sĩ cho rằng dự án này sẽ là “một cú hích kinh tế và chính trị” cho Moscow. Đường ống này hiện đang đứng trước nhiều rủi ro.
Các công ty Nga đã dành nhiều năm để xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 – một dự án mà chính quyền ông Biden chính thức phản đối bởi nó có thể khiến Ukraine mất đi một khoản doanh thu đáng kể từ một đường ống khác đi qua lãnh thổ nước này, đồng thời trao cho Tổng thống Putin tầm ảnh hưởng về nguồn cung năng lượng châu Âu.
Tuy nhiên, để tránh rạn nứt quan hệ với chính phủ Đức, Tổng thống Biden đã làm chệch hướng lệnh trừng phạt của Quốc hội Mỹ với Berlin nhằm ngăn chặn dự án này, khiến cho nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ đảng Dân chủ không hài lòng.
Dù vậy, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 7/12, Victoria Nuland, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định với các thượng nghị sĩ rằng, nếu Nga tấn công Ukraine, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị dừng lại. Điều đó cho thấy ngoại giao kín đã giúp Mỹ nhận được cam kết từ phía Đức – quốc gia vốn sẽ chịu tổn thất về tài chính nếu dự án trên bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.
Không tách rời đồng minh
Tổng thống Biden ngày 6/12 đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Anh để phối hợp đưa ra thông điệp và đảm bảo rằng ông sẽ tới trao đổi với ông Putin với các đồng minh đoàn kết phía sau và sự chung sức đồng lòng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo kêu gọi Nga hạ nhiệt căng thẳng và nhất trí rằng, ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết xung đột cũng như nhấn mạnh sự ủng hộ với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Ngay sau cuộc trao đổi với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden cũng đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Anh, những nước cho rằng việc ngăn chặn Nga chia rẽ cây cầu xuyên Đại Tây Dương là rất quan trọng.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi có những chuyên gia từ Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia trao đổi hàng ngày với các đối tác chủ chốt ở châu Âu” nhằm thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể thực hiện cùng nhau để đối phó với Nga.
Khác lợi ích chứ không phải thiếu sự trao đổi
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã lao dốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1. Chính quyền Tổng thống Biden đã áp các lệnh trừng phạt lên Nga và cáo buộc điện Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng cùng với các vấn đề liên quan đến nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Cuộc trao đổi giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin ngày 7/12 là một nỗ lực nhằm tháo ngòi cuộc xung đột biên giới Ukraine trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.
Marcus Holmes, giáo sư tại trường Cao đẳng William & Mary cho rằng, hai bên đều nhận ra cần hạ nhiệt căng thẳng trước khi một cuộc khủng hoảng đang manh nha biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều là những người có nhiều kinh nghiệm ngoại giao và từng trao đổi với nhau trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự quen thuộc không có nghĩa là xung đột có thể dễ dàng tránh khỏi và một cuộc gặp này sẽ không thể thay đổi tình hình bởi vấn đề giữa hai bên là sự xung đột về lợi ích chứ không phải do thiếu sự trao đổi.
"Theo tôi, lý do cho tình hình leo thang như vậy là do các mục tiêu không tương thích với nhau", Orysia Lutsevych, học giả tại Chatham House nhận định.
"Thực tế thì tôi không thể trả lời câu hỏi Mỹ sẽ nhượng bộ Nga điều gì để cứu vãn thể diện với vai trò là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong khi không phản bội các cam kết với Ukraine", chuyên gia này đánh giá.
Việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraine hồi tháng 4/2021 từng dẫn đến cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Lực lượng này sau đó đã rút đi nhưng căng thẳng ở miền đông Ukraine vẫn không hề suy giảm./.