Căng thẳng lún sâu suốt 3 đời Tổng thống Mỹ
Gần một thập kỷ dưới thời 3 tổng thống Mỹ, hai nước lớn này đã trải qua nhiều căng thẳng khi Trung Quốc trở nên ngày càng cứng rắn với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Obama khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc. Cựu Tổng thống Trump sau đó đã khiến xung đột này leo thang khi áp một loạt các loại thuế lên hàng hóa Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh có liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống, nhiều người cho rằng, căng thẳng giữa 2 quốc gia sẽ hạ nhiệt nhưng Tổng thống Biden vẫn duy trì các biện pháp thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Trump và khẳng định rằng ông muốn thảo luận về những quy tắc mới nhằm kiềm chế các hành vi của Trung Quốc.
Hồi tháng 3/2021, tại một hội nghị ở Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đưa ra những cáo buộc gay gắt về nhau liên quan đến vấn đề thương mại và nhân quyền.
Những tháng sau đó chứng kiến hàng loạt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc "bắt nạt" các nước nhỏ hơn ở châu Á, trong khi lực lượng không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động gần vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)..
Giới chức Lầu Năm Góc cũng cảnh báo, Trung Quốc đang tăng cường lực lượng quân sự với tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân tăng gấp 4 lần, lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Mỹ đã tăng cường các liên minh ở châu Á, trong đó có thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân với Australia như một phần trong thỏa thuận quân sự mới mang tên AUKUS.
Các cố vấn của Tổng thống Biden cho rằng, một số va chạm giữa 2 bên là điều cần thiết. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nhận định hồi tuần trước rằng, việc cho Trung Quốc thấy rằng những nỗ lực gây sức ép sẽ không thành công có vai trò quan trọng.
Bài toán cùng tồn tại hòa bình
Cuộc đối đầu với Trung Quốc đã mang đến cho Tổng thống Biden một lợi thế: Đó là sự ủng hộ từ lưỡng đảng trong Quốc hội với chương trình kinh tế của ông, trong đó có dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD và chi tiêu công nghệ trị giá 250 tỷ USD.
"Nếu chúng ta không có động thái gì, họ sẽ ăn bữa trưa của chúng ta", Tổng thống Biden nhận định với các thượng nghị sĩ hồi tháng 2 khi nhắc đến cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Một số thành viên trong Quốc hội đang thúc đẩy Tổng thống Biden và chính quyền của ông cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đang đối mặt với một tình huống khó xử. Chính quyền của ông đã xây dựng một lập trường nhất trí chung mới cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng điều này đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
"Họ đang đào một cái hố mà khó có thể thoát ra", cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Obama nhận định.
Chính vì thế, vào tháng 9, Tổng thống Biden và các quan chức trong chính quyền của ông đã dừng "đào cái hố này".
"Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh hay một thế giới chia rẽ thành các khối khác nhau", Tổng thống Biden nhận định tại Liên Hợp Quốc.
Tuần trước, ông Sullivan cũng cho rằng, tất cả những gì Mỹ muốn là "đặt ra các điều khoản cho một cuộc cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả" với những biện pháp giảm rủi ro để “đảm bảo mọi thứ sẽ không đi chệch hướng và dẫn đến xung đột".
Mỹ hy vọng có thể hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu, không phổ biến hạt nhân và các vấn đề khác.
Một dấu hiệu tích cực hồi tuần trước là Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch chung nhằm làm chậm lại sự ấm lên toàn cầu tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Liên Hợp Quốc tại Scotland.
Cuộc gặp Thượng đỉnh tuần này giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể bao gồm một loạt các vấn đề từ không phổ biến vũ khí hạt nhân, các cuộc trao đổi thương mại, hạ nhiệt căng thẳng quân sự ở Eo biển Đài Loan và thậm chí cả các quy định về thị thực.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ sẽ thận trọng để mối quan hệ hai bên không rơi xuống mức quá thấp.
Theo một cố vấn của Tổng thống Biden, mục đích của cuộc gặp là "duy trì các kênh trao đổi mở, làm rõ rằng các ý định và ưu tiên của Mỹ là giải quyết có trách nhiệm cuộc cạnh tranh giữa 2 quốc gia. Điều này sẽ đặt ra những nguyên tắc cho một cuộc cạnh tranh hiệu quả".
Nói cách khác, mục tiêu hiện nay của Washington là biến việc cùng tồn tại hòa bình giữa 2 quốc gia đối đầu với nhau trở thành điều khả thi.
"Cạnh tranh gay gắt" giữa các siêu cường về hạt nhân, ngoại giao và kinh tế sẽ không dễ giải quyết và một Hội nghị Thượng đỉnh không thể hóa giải bất đồng. Tuy nhiên, cuộc gặp này vẫn là một bước đi quan trọng cho quá trình xoa dịu căng thẳng giữa 2 bên./.