Anh quay ngoắt thái độ với Trung Quốc
Thủ tướng Anh Boris Johnson vốn là một người ngưỡng mộ Trung Quốc. Thế nhưng vào tháng 4/2020, sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan truyền khắp toàn cầu với tốc độ chết người, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã “thay đổi tông giọng” khi tuyên bố rằng quan hệ với Trung Quốc không thể “quay lại trạng thái bình thường”.
Cuối năm 2020, quyết định của Thủ tướng Johnson cấm gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của Anh đã củng cố xu hướng đó, đảo ngược lại các mối quan hệ thân thiện và mang tính xây dựng trước đó giữa 2 nước.
Công luận Anh đã thay đổi theo chính phủ của Thủ tướng Johnson. Theo các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ, năm 2019, chỉ có 55% người Anh nhìn nhận Trung Quốc một cách tiêu cực; đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên mức 74%, khiến cho người Anh vượt cả người Mỹ về mức độ thù địch với Trung Quốc vào năm đó.
Năm 2020 được nhiều hãng truyền thông coi là năm mà “Trung Quốc đánh mất châu Âu”. Năm 2021, tình cảm tiêu cực đó của châu Âu dành cho Trung Quốc có được cải thiện nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew xác định quan điểm của quốc tế đối với Trung Quốc, được xuất bản vào hôm 30/6/2021, tỷ lệ phần trăm người châu Âu nhìn Trung Quốc một cách thiếu thiện cảm đã giảm một chút vào năm 2021 so với năm 2020.
Ở Pháp, 70% số người được hỏi có thái độ thiếu thiện cảm với Trung Quốc vào năm 2020. Tỷ lệ này giảm xuống còn 66% vào năm nay (2021). Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ giảm từ 63% xuống mức 57%. Ở Anh là từ 74% xuống 63%.
Đáng ngạc nhiên, tỷ lệ này ở Đức không đổi trong các năm 2020 và 2021, đều ở mức 71%. Phải lưu ý rằng so với người ở các nước châu Âu khác, người Đức vốn ít có thái độ tiêu cực về Trung Quốc hơn.
Trong 9 nước châu Âu được khảo sát, có 7 nước có thái độ tiêu cực nhất về Trung Quốc trong năm 2020.
Có nhiều nguyên nhân khiến châu Âu không ưa Trung Quốc
Một số nhà phân tích ở châu Âu đang tranh cãi về việc thái độ của người châu Âu đối với Trung Quốc xấu đi có phải chủ yếu là do cách Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19 và việc giới ngoại giao Trung Quốc thực hành “ngoại giao chiến lang”, tới mức độ đôi khi họ còn chế giễu cả châu Âu vì có tỷ lệ tử vong cao do Covid-19.
Các nhà phân tích khác phân vân về việc châu Âu thay đổi thái độ đối với Trung Quốc có thể còn xuất phát từ các vấn đề sâu sắc hơn như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và vấn đề Hong Kong.
Lionel Barber - cựu biên tập viên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính), viết vào tháng 11/2020 rằng năm 2020 là năm mà “châu Âu thức tỉnh trước các thách thức từ Trung Quốc”.
Vào tháng 3/2021, Bắc Kinh đã trừng phạt một số chính trị gia và tổ chức nghiên cứu ở châu Âu để trả đũa cho việc EU áp đặt lệnh trừng phạt lên một nhóm các quan chức Trung Quốc trực tiếp liên quan đến một số vấn đề ở Tân Cương.
Vào ngày 8/7, Liên minh châu Âu đã thông qua một nghị quyết mới về các vấn đề nhân quyền ở Hong Kong, trong đó có lời kêu gọi các nước EU hãy từ chối lời mời dự Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh để phản đối chính sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ Hong Kong.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã phản ứng lại rằng một số chính trị gia trong Nghị viện châu Âu “đang cố gắng làm xáo trộn việc khôi phục quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu”, rồi dùng “nhân quyền” làm “cái cớ để tung ra các hoạt động khiêu khích mới”. Bài báo của tờ báo này coi nghị quyết trên của EU như một nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Một nghiên cứu vào tháng 4 của Mạng Think-tank châu Âu nghiên cứu về Trung Quốc lập luận rằng quyền lực mềm của Trung Quốc ở châu Âu “đã sụt giảm vào thời kỳ khó khăn”.
Trước cái nhìn tiêu cực này từ truyền thông châu Âu, báo chí Trung Quốc đã tìm cách “phản pháo”. Một bài báo vào tháng 3/2021 trên tờ Nhân dân Nhật báo đã chạy dòng tít lớn “Không có một từ nào mang sự thật trong các tin tức của truyền thông phương Tây bài xích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương”.
Tình hình vẫn ảm đạm với Trung Quốc trong suốt năm 2021 và các năm tiếp theo?
Noah Barkin, một chuyên gia về Trung Quốc của Tập đoàn Rhodium, sống ở Berlin, nhận định rằng hình ảnh Trung Quốc có thể xấu tiếp trong năm 2021 khi EU và Mỹ có khả năng hợp tác sâu hơn trước cái mà họ gọi là “các thách thức” mà Trung Quốc tạo ra cho họ.
Trong khi đó, quan điểm của châu Âu về Mỹ đã cải thiện đáng kể với việc chính quyền Mỹ chuyển giao từ Donald Trump sang Joe Biden.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng trong 9 nước châu Âu được khảo sát, 62% số người được hỏi có thái độ ưa thích Mỹ so với chỉ 28% dành cho Trung Quốc.
Ví dụ, chỉ có 16% số người Đức được hỏi tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng trong các vấn đề thế giới so với 78% số người Đức tin tưởng vào Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoài ra, Barkin dự đoán EU sẽ đặt ra một loạt các quy định mới nhằm chủ yếu vào Trung Quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh có thể đánh mất một số đồng minh quan trọng ở châu Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên tục phủ quyết để ngăn EU đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, đến mức mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào tháng 6/2021 đã phải công khai hậu thuẫn cho các thay đổi về mặt cấu trúc trong cách thức đưa ra các chính sách đối ngoại của EU.
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã ca ngợi ông Orban vì đã “bảo vệ quan hệ Trung Quốc-châu Âu” hồi tháng 4. Nhưng nhà lãnh đạo Orban có thể thất bại trong cuộc tổng tuyển cử của Hungary vào năm 2022 do các đảng đối lập liên minh với nhau quanh thị trưởng Budapest, Gergely Karacsony – người nổi tiếng với tư tưởng bài Trung Quốc.
Đặc biệt, Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 9 tới đây sẽ rút lui sau 15 năm cầm quyền, trong bối cảnh ngày càng nhiều chính trị gia Đức yêu cầu có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc./.