Nước tìm thấy trên sao Hỏa là nước lỏng và mặn
CTV News thông tin, ngày 28/9, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, các nhà khoa học đã phát hiện ra có khoáng chất ngậm nước tại những vệt sẫm màu xuất hiện trên bề mặt của sao Hỏa.
NASA cũng công bố cả những bức ảnh về những vệt sẫm màu nói trên mà các nhà khoa học vẫn thường gọi là “Dốc Linaea”- sườn dốc biến thiên định kỳ.
Các nhà khoa học tin rằng, các vệt sẫm màu là do dòng nước ngầm, mặn chảy và thấm ra bề mặt tạo nên.
Hình ảnh những sườn dốc tại đỉnh núi lửa Horowitz, các vệt đen dài hơn 100m được cho là những dòng nước ngầm đang chảy trên Sao Hỏa. (ảnh: NASA). |
Hơn thế nữa, việc phát hiện ra muối ngậm nước tại các vệt sẫm màu chính là sự xác nhận cho nhận định trên.
Telegraph dẫn thông tin từ báo cáo của NASA, những vệt nước này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ bề mặt của Sao Hỏa lớn hơn -23 độ.
Chính muối ở trong nước đã giúp cho dòng nước này không bị đóng băng. Chính vì thế, nước trên Sao Hỏa sẽ mặn hơn nước ở trên Trái Đất rất nhiều.
Lujendra Ojha, một nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Georgia cho biết: “Khi người ta nói về nước trên sao Hỏa, họ thường nghĩ đến nước cổ đại hoặc nước đóng băng. Nhưng bây giờ chúng ta có thể biết thêm nhiều câu chuyện khác”.
Cận cảnh những vết tích cho thấy dòng nước tồn tại trên Sao Hỏa. (ảnh: NASA). |
John Grunsfeld, phi hành gia thuộc Ban chỉ đạo Nhiệm vụ Khoa học của NASA xác nhận: “Đây là bước ngoặt lớn để chứng minh rằng nước đang chảy trên bề mặt sao Hỏa”.
"Sự xuất hiện của nước ở dạng lỏng cho thấy khả năng có sự sống trên sao Hỏa, và nếu điều này là thật, chúng ta có thể tìm hiểu cách họ đã sống sót”, phi hành gia Grunsfeld nhấn mạnh thêm.
Sao Hỏa- hành tinh có nhiều điểm giống Trái Đất
Sao Hỏa là hành tinh thứ 4 trong Hệ Mặt Trời. Khoảng cách từ Sao Hỏa đến Mặt Trời khoảng 228,5 triệu km. Chu kỳ quỹ đạo của Sao Hỏa bằng 687 ngày Trái Đất, với nhiệt độ lạnh hơn và bầu khí quyển mỏng hơn.
Sao Hỏa và Trái Đất. (ảnh: CTV News). |
Sao Hỏa được đánh giá là hành tinh ở trong vùng có thể ở được, không quá gần cũng như không quá xa Mặt Trời. Cả Trái Đất và Sao Hỏa xoay trên một trục nghiêng tương tự nhau: Trái Đất nghiêng 23,5 độ và Sao Hỏa nghiên 25 độ. Điều này có nghĩa là cả Trái Đất và Sao Hỏa đều trải qua các mùa tương tự như nhau.
Thế nhưng, nếu Trái Đất có nhiệt độ trung bình khoảng 14 độ C thì Sao Hỏa có nhiệt độ trung bình đến -62 độ. Thêm vào đó, bầu khí quyển của Trái Đất đặc hơn so với của sao Hỏa 100 lần. Chính những yếu tố này chính là những thách thức trong việc hình thành sự sống ở sao Hỏa.
3 tỉ năm về trước, Sao Hỏa từng có cả đại dương
CTV News dẫn lời các nhà khoa học cho biết, 3 tỉ năm trước đây, Sao Hỏa là một hành tinh rất khác so với bây giờ.
Nhà khoa học, phi hành gia của NASA John Grunsfeld cho biết, Sao Hỏa đã từng có một bầu khí quyển rộng lớn trong quá khứ. “Chúng tôi tin có cả một đại dương khổng lồ trên Sao Hỏa”, Grunsfeld nói.
Hình minh họa: Sao Hỏa từng có cả đại dương. (ảnh: CTV News). |
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2015, Sao Hỏa đã từng có một đại dương nguyên thủy mà lượng nước của nó nhiều hơn Bắc Băng Dương của Trái Đất.
Và khi cuộc sống bắt đầu được hình thành trên Trái Đất, các nhà khoa học tin rằng những điều tương tự như vậy cũng xảy ra ở trên sao Hỏa.
Paul Delaney, Giáo sư ngành Vật lý và Thiên văn học của Đại học York cho biết: “Môi trường trên sao Hỏa 3 tỉ năm trước đây rất hiếu khách. Vào khoảng thời gian mà cuộc sống hình thành ở Trái Đất, môi trường trên Sao Hỏa cũng tương tự như ở Trái Đât vậy”.
Tuy nhiên, trải qua khoảng thời gian dài, Sao Hỏa đã phải chịu sự biến đổi khí hậu rộng khắp mà “chưa thể lý giải được” khiến cho môi trường trên Sao Hỏa cũng bị thay đổi theo.
Nước và sự sống có thể đã tồn tại trên Sao Hỏa cả trong quá khứ và hiện tại
Cùng với sự hiện diện của nước trong quá khứ và hiện tại, các nhà khoa học tin rằng sự sống cũng đã xuất hiện trên Sao Hỏa.
Những rãnh rộng từ 1 đến 10m này là dấu tích của những dòng nước bị lộ ra do bề mặt bị bào mòn tại khu vực Hellas. (ảnh: NASA). |
Các nhà khoa học nói rằng nước là chìa khóa của sự sống, bằng chứng cho thấy Sao Hỏa không hề khô hạn như mọi người vẫn nghĩ đã mang lại niềm tin về sự sống ngoài Trái Đất.
Alfred McEwan, nhà nghiên cứu của dự án HiRISE camera trên Tàu quỹ đạo trinh sát Sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter) cũng bày tỏ sự lạc quan rằng sự sống có thể tồn tại trên hành tinh này.
Ông Alfred McEwan cho biết, sự hiện diện của nước dưới bề mặt Sao Hỏa có nghĩa là vi khuẩn có thể sống được dưới lớp vỏ của hành tinh này.
“Theo tôi, cơ hội có sự sống ở Sao Hỏa thực sự cao”, ông Alfred McEwan nói.
Tuy nhiên, theo CTV News các nhà khoa học cũng cho biết thêm, sự sống trên sao Hỏa có thể không phải là một sinh vật to lớn nào đấy, mà chỉ là các vi sinh vật cực nhỏ đã xuất hiện từ hàng tỷ năm trước đây và vẫn sống sót cho đến hiện tại.
Tham vọng đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2030
Ngay cả khi trên Sao Hỏa không có sự sống, NASA vẫn đang ấp ủ kế hoạch to lớn đó là đưa con người lên sống ở hành tinh này trong vòng chưa đầy 25 năm tới.
Kế hoạch đưa con người lên sống trên Sao Hỏa của NASA. (ảnh: CTV News). |
Theo Đạo luật Ủy quyền NASA năm 2010 và Chính sách vũ trụ của Mỹ, cơ quan này đang phát triển dự án có thể đưa con người lên Sao Hỏa trong những năm 2030.
Trong một phần của mục tiêu đó, NASA đang thử nghiệm và phát triển tàu vũ trụ Orion để đưa con người vào không gian.
Ngày 26/8, tàu Orion đã hoàn tất thành công một chương trình phóng thử, đưa nhiệm vụ cho con người lên sống ở Sao Hỏa tiến thêm một bước.
NASA cho biết, nước trên Sao Hỏa sẽ giúp những con người này có thể tồn tại. Tuy nhiên, nước ở trên Sao Hỏa rất mặn nên các phi hành gia sẽ phải làm sạch nước và lọc muối cẩn thận để có thể sử dụng./.