Thái tử Mohammed bin Salman của vương quốc Saudi Arabia mới đây đã thề sẽ đưa đất nước này trở về với “đạo Hồi ôn hòa”. Ông đồng thời yêu cầu quốc tế ủng hộ việc chuyển đổi vương quốc này thành một xã hội cởi mở, trao quyền cho công dân và thu hút các nhà đầu tư.

saudi_doi_moi_1_eupy.jpg
Thái tử Mohammed bin Salman - người có tham vọng cải cách và chuyển đổi toàn bộ xã hội Saudi Arabia. Ảnh: Getty.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Guardian của Anh, vị thái tử sẽ kế vị ngôi báu của Quốc vương Saudi Arabia nói rằng quốc gia này đã “không bình thường” trong suốt 30 năm qua. Ông quy trách nhiệm cho các học thuyết cứng rắn ngự trị trong xã hội nước này khi phản ứng lại cuộc Cách mạng Iran – điều mà các lãnh đạo nước này “chưa biết cách xử lý thế nào”.

Đột phá tư tưởng để đột phá kinh tế

Tại một hội thảo về đầu tư, Thái tử Salman đã công bố việc thiết lập một khu vực kinh tế độc lập đầy tham vọng trị giá 500 tỷ USD bắc qua Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập.

Thái tử Salman nói: “Chúng tôi là một nước G20. Một trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng tôi nằm giữa 3 lục địa. Chuyển đổi Saudi Arabia theo hướng tốt đẹp hơn đồng nghĩa với việc giúp đỡ cả khu vực và thay đổi thế giới. Đây là điều chúng tôi đang nỗ lực làm ở đây. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ tất cả các bên”.

Ông Salman nói thêm: “Những gì xảy ra trong vòng 30 năm qua không phải là đất nước Saudi Arabia. Những gì diễn ra ở khu vực trong 3 thập kỷ qua cũng không phải là Trung Đông. Sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979, người ta muốn sao chép mô hình này ra nhiều nước khác mà Saudi Arabia là một trong số đó. Chúng tôi đã không biết phải ứng xử sao với thực tế đó. Vấn đề này lan tràn khắp thế giới”.

Trước đó Thái tử Salman có nói: “Chúng tôi đơn giản đang quay về với điều mà chúng tôi đã theo đuổi – một đạo Hồi cởi mở với thế giới và tất cả các tôn giáo. Hiện 70% dân số Saudi Arabia dưới 30 tuổi. Thành thực mà nói, chúng tôi sẽ không để phí thêm 30 năm nữa trong đời mình để vật vã với các tư tưởng cực đoan, chúng tôi sẽ tiêu diệt các tư tưởng đó ngay và luôn”.

Các tuyên bố trên của Thái tử Salman là nổi bật nhất trong số các tuyên bố do ông đưa ra trong một chương trình cải cách kéo dài 6 tháng, với các nội dung cải cách văn hóa và sáng kiến kinh tế mà trong vài thập kỷ qua là điều không thể tưởng tượng được ở xứ sở này.

Vị Thái tử Salman đã thực hiện nhiều biện pháp củng cố quyền lực của mình. Ông đã gạt sang bên lề các vị chức sắc tăng lữ mà ông tin là không chịu ủng hộ ông. Thái tử Salman cũng yêu cầu sự trung thành không dao động từ các quan chức cao cấp mà ông đã tin tưởng giao phó tham gia vào một chương trình cải cách 15 năm nhằm chuyển đổi sâu sắc gần như tất cả mọi mặt đời sống Saudi Arabia.

Đấu tranh với tâm lý xã hội cũ

Trọng tâm trong các cải cách trên là việc đoạn tuyệt với các chức sắc tôn giáo cứng rắn đã hình thành nên truyền thống Saudi Arabia trong thời gian dài.

Các thay đổi trong cuộc cải cách này bao gồm việc xử lý các điều cấm kỵ trong xã hội. Họ mới đây đã dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe ô tô, cũng như thu hẹp các quy định về giám hộ hạn chế vai trò của phụ nữ.

Cảnh trích xuất từ một video quảng bá về khu kinh tế mới của Saudi Arabia. Ảnh: YouTube.

Quy mô và phạm vi của các cải cách trên chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Saudi Arabia. Hiện người ta vẫn lo ngại rằng tư tưởng bảo thủ bám rễ sâu trong xã hội Saudi sẽ chống đối lại “cuộc cách mạng văn hóa này” và rằng vương quốc Saudi thiếu năng lực để thực hiện đến tận cùng các cải cách kinh tế lớn lao.

Khu vực kinh tế mới sẽ được thiết lập dọc theo 470km bờ Hồng Hải, trong một khu vực du lịch được xem lại trung tâm tự do giống kiểu Dubai, nơi mà những người đi tắm biển cả nam lẫn nữ có thể tắm chung trong một bãi biển.

Khu vực kinh tế trên được xem là trung tâm trong các nỗ lực chuyển đổi vương quốc Saudi Arabia từ một nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ thành một nền kinh tế mở và đa dạng. Tuy nhiên có rất nhiều trở ngại, nhất là về tâm lý xã hội.

Một doanh nhân hàng đầu của nước này nói: “Chuyển đổi kinh tế là quan trọng nhưng không kém phần quan trọng là chuyển đổi xã hội. Anh không thể có được điều này mà lại thiếu điều kia. Tốc độ chuyển đổi xã hội là mấu chốt”.

Tìm kiếm sự đồng thuận xã hội

Quốc gia Hồi giáo Trung Đông này hiện vẫn cấm rượu, rạp chiếu phim và nhà hát. Việc đi bên cạnh các nam nữ không phải họ hàng cũng bị dè bỉu. Tuy nhiên quốc gia quân chủ chuyên chế Saudi Arabia đã cắt giảm quyền lực của lực lượng cảnh sát tôn giáo – hiện lực lượng này không còn được phép bắt giữ người và đang tuân thủ theo đường lối mới ở Saudi Arabia.

Về mặt kinh tế, Saudi Arabia sẽ cần đến các nguồn lực lớn nếu muốn thành công trong việc nâng tầm nền kinh tế nước mình. Ban lãnh đạo Saudi Arabia hiện nay tin rằng sẽ không thể tạo ra được các đầu tư chiến lược nếu không đưa ra các cải cách xã hội rộng khắp.

Thái tử Salman đã nhiều lần nhắc lại rằng nếu chưa thiết lập được một khế ước xã hội mới giữa công dân và nhà nước thì nỗ lực cải cách kinh tế sẽ thất bại.

Một nhân vật cấp cao trong nhà Saudi cho biết: “Điều này liên quan đến việc mang lại cho trẻ em một đời sống xã hội. Việc giải trí cần phải là một lựa chọn cho các em, hiện đang chán nản và thất vọng. Trong khi đó, phụ nữ phải được quyền lái xe tới nơi làm việc. Thiếu những điều này, chúng tôi sẽ thất bại. Mọi người đều biết điều đó, ngoại trừ những người ở các thị trấn nhỏ. Nhưng rồi họ cũng sẽ biết”.

Trong 10 năm tới, ít nhất 5 triệu người Saudi Arabia dự kiến sẽ gia nhập lực lượng lao động của nước này, tạo ra một thách thức lớn cho giới chức hiện đang không tìm được đủ việc làm cho họ hay vạch ra được các kế hoạch cụ thể để tạo ra công ăn việc làm.

Việc thiết lập khu vực kinh tế độc lập nói trên sẽ hoàn thành vào năm 2025. Theo những người sáng lập, khu vực này sẽ sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Ngân sách khổng lồ của Saudi Arabia sẽ là điểm tựa chính cho khu vực kinh tế này. Việc tư nhân hóa một phần công ty dầu Aramco cũng được hy vọng sẽ tăng thêm vài trăm triệu USD cho dự án lớn này./.