Quyết định trên của Quốc vương Salman chấm dứt truyền thống lâu đời cấm phụ nữ lái xe ở Saudi Arabia.

phu_nu_saudi_reuters_xhkg.jpg
Một phụ nữ Saudi Arabia dám thách thức truyền thống xã hội để lái ô tô vào năm 2013. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạt động nhân quyền coi việc cấm phụ nữ lái xe là biểu tượng cho việc đè nén phụ nữ.

Vương quốc Saudi Arabia - nơi khai sinh đạo Hồi, trước thời điểm 26/9 này là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái ô tô, dù họ đã có nhiều nỗ lực nâng cao vị thế phụ nữ trong lực lượng lao động.

Theo cơ quan thông tấn nhà nước SPA, chỉ dụ của quốc vương Saudi Arabia yêu cầu thành lập một cơ quan cấp bộ để cố vấn về vấn đề này trong vòng 30 ngày rồi sau đó thực hiện mệnh lệnh của nhà vua vào ngày 24/6/2018.

Sắc lệnh quy định rằng việc này phải “vận dụng và bám sát các tiêu chuẩn Sharia (tức luật Hồi giáo - ND)”.

Sắc lệnh không cung cấp chi tiết nhưng cho biết, đa số thành viên của Hội đồng Học giả Tôn giáo Cao cấp (cơ quan tăng lữ hàng đầu của Saudi Arabia), đã phê chuẩn động thái mới này.

Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi sắc lệnh trên được công bố ở Saudi Arabia, vị Đại sứ nước này ở Washington (Mỹ), hoàng tử Khaled bin Salman, cho biết đây là “một ngày lịch sử và vĩ đại trong vương quốc chúng ta”.

Vị đại sứ nói: “Tôi nghĩ rằng lãnh đạo đất nước hiểu rằng xã hội chúng tôi đã sẵn sàng. Tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn, đưa ra vào đúng thời điểm”.

Sắc lệnh của quốc vương Saudi Salman cũng nhanh chóng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bên trong vương quốc và trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh động thái này, coi đó là “bước đi lớn theo đúng hướng”.

Trong hơn 25 năm qua, các nhà hoạt động nữ quyền đã cổ xúy cho quyền được lái xe ô tô. Họ đã xuống đường biểu tình bày tỏ nguyện vọng, gửi các thỉnh nguyện tới nhà vua, đăng trên mạng xã hội các đoạn video ghi cảnh phụ nữ sau vô lăng. Trong phong trào đấu tranh này, nhiều nhà hoạt động đã bị bắt giữ./.