Nga cởi mở một cách thận trọng với Taliban
Vào buổi sáng 16/8, một nhóm các tay súng Taliban và hai xe bọc thép được trang bị súng máy đã bao quanh Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ các ngân viên ngoại giao Nga trong tòa nhà.
Phát biểu với đài phát thanh Echo Moskva cuối ngày hôm đó, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết, một chỉ huy Taliban đã hứa với ông rằng “sẽ không ai làm hại dù chỉ là một sợi tóc của các nhà ngoại giao Nga”. Trái ngược hẳn với giọng điệu của những người người đồng nghiệp phương Tây, ông Zhirnov khen ngợi cách hành xử của Taliban và cho rằng lực lượng này đã nhanh chóng khôi phục lại trật tự ở thủ đô Kabul.
Điều này khác xa so với 20 năm về trước – thời điểm mà Nga và Taliban được coi là “kẻ thù không đội trời chung”. Hiện giờ, sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban đang tìm cách xích lại gần hơn với Nga và Moscow cũng gửi đi tín hiệu sẵn sàng đón nhận thiện chí này. Tuy vậy, các nhà phân tích Nga cho rằng, Moscow vẫn đang xem xét liệu Taliban có thể giữ đúng cam kết chống lại những kẻ buôn ma túy và các nhóm cực đoan hay không.
Trong khi đó, nhiều quan chức cấp cao của Taliban thường xuyên cho Nga là một đồng minh tiềm năng, bên cạnh Trung Quốc và Pakistan. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti tháng 9 vừa qua, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid hối thúc Nga trở thành “nhà trung gian hòa giải mới” giữa lực lượng này và Liên Hợp Quốc, đồng thời mời gọi các công ty của Nga tham gia những dự án kinh tế mới tại Afghanistan.
Về phần mình, Nga đã mời Taliban đến Moscow vào tuần trước để tham gia hội nghị quốc tế về Afghanistancùng với các đại diện của Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan và các nước Trung Á. Mặc dù các cuộc thảo luận không tạo ra bất cứ thỏa thuận đột phá nào, nhưng Taliban vẫn coi đây là một thành công về mặt ngoại giao. Phát biểu với báo chí, ông Abdul Salam Hanafi, Phó Thủ tướng thứ hai trong nội các lâm thời của Taliban – người dẫn đầu phái đoàn Taliban tham gia hội nghị cho biết: “Đây là một cuộc đối thoại rất hữu ích, diễn ra trong bầu không khí thân thiện. Taliban đánh giá cao và hoan nghênh sáng kiến của Nga”.
Tuy vậy, các quan chức cấp cao của Nga nhấn mạnh rằng, Moscow sẽ không vội vã công nhận chế độ cầm quyền của Taliban, với lý do lo ngại việc thiếu đại diện của các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số trong chính phủ lâm thời tại Afghanistan.
Nhiều chuyên gia đã nêu bật những thách thức về an ninh tại khu vực Trung Á mà Điện Kremlin đang phải đối mặt, lưu ý việc Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung Á trong những tháng gần đây và tiến hành nhiều cuộc tập trận ở biên giới phía Bắc Afghanistan. Chuyên gia hàng đầu của Nga về Trung Á Andrei Kazantsev cho biết: “Tình hình tại Afghanistan rất bất ổn và không ai biết điều gì sẽ diễn ra trong thời gian tới. Có rất nhiều tình huống xấu có thể xảy ra, chẳng hạn như một nạn đói xảy ra hay đất nước bắt đầu sụp đổ. Đó là lý do tại sao Nga huy động tất cả nguồn lực cần thiết để bảo vệ an ninh cho chính mình và cho các đồng minh Trung Á”.
Lịch sử đối đầu
Nga và Taliban từng có lịch sử đối đầu, ngay cả trước khi lực lượng này lên nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996 - chỉ vài năm sau khi Liên Xô can thiệp vào Afghanistan từ 1979 đến 1989. Vào ngày 3/8/1995, Taliban đã chặn một máy bay Ilyushin-76 của Nga ở Afghanistan và buộc máy bay phải hạ cánh xuống Kandahar. Khi kiểm tra, Taliban phát hiện ra rằng máy bay này đang chở 30 tấn đạn dược dành cho Liên minh phương Bắc - một liên minh chống Taliban được sự hậu thuẫn rộng rãi của nhiều lực lượng quốc tế. Taliban đã bắt giữ 7 thành viên phi hành đoàn của máy bay Nga trong 378 ngày.
Sau đó, căng thẳng giữa 2 bên tiếp tục leo thang. Taliban đã cung cấp nơi trú ẩn cho Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, một tổ chức cực đoan chuyên chống lại chính phủ Uzbekistan,Tajikistan và Kyrgyzstan từ năm 1999-2001. Chưa kể, Taliban cũng hỗ trợ tiền và vũ khí cho các phiến quân Hồi giáo tại Chechnya, một khu vực có đa số người Hồi giáo ở miền nam nước Nga.
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Putin đã theo đuổi lập trường cứng rắn với Taliban. Sau cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9, ông Putin nhanh chóng ủng hộ chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan, yêu cầu các các cơ quan an ninh Nga chia sẻ thông tin tình báo, cho phép Washington sử dụng không phận Nga để cung cấp hàng hóa cho Afghanistan, thậm chí bật đèn xanh cho việc thành lập các căn cứ của Mỹ ở Trung Á. Năm 2003, Tòa án Tối cao Nga đã coi Taliban là tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động trên đất Nga.
Thời gian không dễ xoa dịu những căng thẳng này, nhưng động lực và toan tính của các bên đã thay đổi. Điện Kremlin ngày càng thất vọng trước việc Mỹ không ngăn chặn được sự bùng nổ hoạt động buôn bán thuốc phiện tại Afghanistan, phần lớn số thuốc phiện được nhập lậu vào Nga qua các nước Trung Á. Tiếp đến là cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, cũng như các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa hai nước.
Ông Kazantsev nhận định: “Trong tình huống này, tôi cho rằng đối với các lãnh đạo Nga, mối đe dọa từ Mỹ trở nên lớn hơn so với những mối đe dọa từ Afghanistan”.
Một vấn đề khác đáng lưu ý là sự xuất hiện của nhóm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan, miền Bắc Afghanistan, có tên gọi IS-K. Đến năm 2018, các quan chức Nga ước tính nhóm khủng bố này có hơn 10.000 phần tử. Với trọng tâm là thành lập một đế chế tự xưng có tên gọi “Vương quốc Hồi giáo” trên thế giới, IS-K đã trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với Nga tại Afghanistan.
Bước đi đầy tính toán của Nga
Khi các ưu tiên thay đổi, Nga đã bắt đầu thiết lập mối liên hệ với Taliban vào năm 2014. Đến tháng 11/2018, một phái đoàn Taliban đã đến Moscow lần đầu tiên để tham gia các cuộc đàm phán hóa bình về Afghanistan do Nga dẫn đầu. Kể từ đó, các đại diện của Taliban đã tới Moscow 7 lần, trong đó có 4 lần tính riêng từ đầu năm đến nay.
Trong lúc chính phủ các nước phương Tây gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân của họ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan vào tháng 8, Nga lại thông báo rằng đại sứ quán của nước này tại thủ đô Kabul vẫn tiếp tục hoạt động. Đồng thời, các quan chức Nga cũng bày tỏ sự lạc quan thận trọng về chính phủ mới ở Afghanistan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, hành động của Nga vẫn dè dặt hơn nhiều so với những tuyên bố công khai mà nước này đưa ra. Ông Andrei Serenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về Afghanistan nhận định, dù Nga không hài lòng với chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani nhưng nước này mong đợi chính phủ thay thế tại Afghanistan sẽ là một liên minh bao gồm “những người bạn lâu năm” của Nga, chẳng hạn như cựu Tổng thống Hamid Karzai và các nhân vật nổi bật từ cộng đồng người Tajik và Uzbek. Vì thế sự trở lại nắm quyền của Taliban đã khiến Moscow bối rối. Song nhà phân tích Kazantsev cho rằng Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thiết lập quan hệ hợp tác với Taliban.
“Phương Tây có đủ khả năng để rời xa tình hình tại Afghanistan. Nhưng đó không phải lựa chọn của Nga vì nước này cần đảm bảo an ninh của chính mình và an ninh của các đồng minh Trung Á”, ông Kazantsev nhấn mạnh.
Nga có những lựa chọn nào để đạt được điều đó? Ông Kazantsev cho rằng, một chiến lược nhiều khả năng được thực hiện là tạo ra một “đảng thân Nga” trong chính quyền mới của Taliban. Mặc dù thiếu bước đột phá về ngoại giao nhưng ông lưu ý rằng chuyến thăm của đại diện Taliban đến Moscow vào tuần trước có thể mang lại cho Moscow cơ hội quý giá để tăng cường quan hệ với nhánh chính trị của lực lượng này.
Nếu chiến lược ngoại giao không thành công, Nga có thể gây sức ép với Taliban bằng nhiều biện pháp khác. Kể từ tháng 4/2021, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên với Tajikistan và Uzbekistan gần biên giới Afghanistan. Cuộc tập trận có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ và hàng trăm khí tài quân sự, từ máy bay chiến đấu đến xe tăng. Đồng thời, Moscow cũng củng cố căn cứ thứ 201 tại Tajikistan –căn cứ quân sự lớn nhất của nước này ở Trung Á, bổ sung nhiều vũ khí mới trong đó có súng bắn tỉa, xe bọc thép và hệ thống tên lửa.
Đánh giá về mục tiêu các cuộc tập trận gần biên giới Afghanistan một số cựu quan chức quân đội Nga cho rằng, Moscow muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Taliban về năng lực quân sự của mình.
"Cuộc tập trận của Nga và các đối tác ở Uzbekistan có sự xuất hiện của máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3. Những chiếc máy bay này không nhằm hỗ trợ lực lượng mặt đất mà là để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu. Chúng là lời cảnh báo Taliban chớ tiếp cận biên giới Nga", cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Yuri Baluyevsky lưu ý.
Mối lo ngại của Nga không chỉ dừng lại ở việc Taliban có thể xâm nhập vào Trung Á. Giáo sư Georgi Asatryan tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov cảnh báo rằng, Moscow cũng lo lắng chiến thắng của Taliban có thể “truyền cảm hứng” các nhóm cực đoan ở các nước từng thuộc Liên Xô cũ và xa hơn thế.
“Dù Taliban không ủng hộ những nhóm này thậm chí chiến đấu chống lại họ, nhưng việc lực lượng này lên nắm quyền chắc chắn sẽ khiến các lực lượng nổi dậy khác trên khắp khu vực có động lực để thực hiện kế hoạch của họ”./.