Sau khi Australia từ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm thông thường để chuyển sang lựa chọn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, Pháp đã thực hiện một bước đi rất cứng rắn khi triệu hồi đại sứ của nước này ở Mỹ và Australia về tham vấn.
Việc triệu hồi các đại sứ Pháp do chính Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra. Người phát ngôn của Điện Elysée cho biết “mức độ nghiêm trọng” của tình hình đã dẫn đến phản ứng của tổng thống.
“Ngoài câu hỏi về việc vi phạm hợp đồng và những hậu quả của nó, quyết định này còn phản ánh về mối quan hệ liên minh chiến lược. Hành vi như vậy là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, Điện Elysée cho biết.
Trong một tuyên bố vào tối 17/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nhấn mạnh: “Quyết định đặc biệt này phù hợp mức độ nghiêm trọng của các thông báo mà Australia và Mỹ đã đưa ra hôm 15/9”.
Bình luận về động thái của chính quyền Macron, ông Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Po ở Paris cho rằng Pháp đã tự đặt mình vào tình thế chỉ có thể lùi bước hoặc mất mặt khi Đại sứ của họ quay trở lại Mỹ - đồng minh lịch sử của Pháp.
“Khi bạn rơi vào một cuộc khủng hoảng như thế này thì bạn nên biết đâu là lối thoát”, ông Badie lưu ý.
Australia thì giải thích, họ quyết định rằng tàu ngầm hạt nhân là sự lựa chọn tốt hơn để đảm bảo lợi thế hàng hải của mình khi nước này công bố một liên minh ba bên mới với Mỹ và Anh (AUKUS) – liên minh được nhiều người cho là nhằm đối phó với Trung Quốc – quốc gia mà sự trỗi dậy của họ đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Dự kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những ngày tới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã dùng ngôn từ hiếm khi được sử dụng giữa các quốc gia thân thiện để nói về quyết định bất ngờ của Australia hủy hợp đồng tàu ngầm do Pháp chế tạo và hiệp ước an ninh của nước này với Mỹ và Anh. Ông Le Drian gọi đây là hành vi “dối trá”, “lá mặt lá trái” và rằng Pháp đã bị Australia “đâm sau lưng”.
Cho đến nay, ông Le Drian vẫn chưa hề có kế hoạch gặp gỡ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này ở New York với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – một người rất giỏi tiếng Pháp và nổi tiếng với tình cảm dành cho châu Âu.
Pháp đang đơn độc?
Với giá trị hợp đồng được ký kết năm 2016 lên đến 36,5 tỷ USD, đương nhiên ai cũng có thể hiểu được bức xúc của Pháp trong tình huống này. Nhưng những tác động về mặt ngoại giao thì ít rõ ràng hơn, Pháp dường như đang đơn độc trước phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đức – quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất trong EU sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 26/9 sắp tới gần như không hào hứng tham gia vào vụ việc. Chính phủ Đức chỉ nói rằng họ có lưu ý đến tranh cãi liên quan đến thương vụ mua bán tàu ngầm giữa Pháp và Australia.
Celia Belin, một chuyên gia về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Viện Brookings nói rằng Pháp có thể tập hợp các quốc gia châu Âu khác, nhấn mạnh nhận thức chung rằng chính quyền Biden đang thiếu một chiến lược với châu Âu.
Bà Belin nói: “Pháp cần chia sẻ đánh giá này với các đồng minh châu Âu và đặt nó lên bàn làm việc với Mỹ để tìm ra giải pháp”.
Trong khi hầu hết các nước châu Âu cảm thấy vui mừng khi ông Biden giành chiến thắng trước ông Donald Trump để trở thành Tổng thống Mỹ, bản thân ông Biden cũng đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ các đồng minh châu Âu khi quyết rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan. Quyết định của ông Biden đã dẫn đến chiến thắng nhanh chóng của Taliban trong cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm, với sự can dự của Mỹ và các đồng minh NATO.
Một điểm nhức nhối khác là Mỹ vẫn tiếp tục cấm hầu hết người châu Âu du lịch đến Mỹ, ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) – được các quốc gia phụ thuộc vào du lịch thúc đẩy – đã nới lỏng yêu cầu nhập cảnh đối với công dân Mỹ.
Nhà phân tích chính trị Max Bergmann từ Trung tâm vì sự tiến bộ của nước Mỹ cho rằng, Tổng thống Biden sẽ cần thực hiện “những bước đi táo bạo để sửa chữa mối quan hệ với Pháp, ngăn chặn điều này đi vào vòng xoáy căng thẳng”. Cụ thể, ông Biden có thể mời ông Macron đến Nhà Trắng, trao đổi về tầm nhìn của nhà lãnh đạo Pháp với vấn đề năng lực quốc phòng của châu Âu và tiến tới chấm dứt lệnh cấm đi lại do dịch bệnh hiện nay.
“Điều nguy hiểm là sự cố này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, từ NATO, hợp tác công nghệ, thương mại đến phát triển một cách tiếp cận thống nhất với Trung Quốc và Nga”, ông Bergmann nhận xét.
Tổng thống Mỹ Biden trước đó cũng đã khiến người dân Đông Âu cảm thấy khó chịu khi từ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt liên quan đến Dự án dòng chảy phương Bắc 2 của. Chính quyền Biden giải thích họ đưa ra quyết định này một phần vì muốn đảm bảo lợi ích trong mối quan hệ bền chặt với Đức.
“Châu Âu chưa bao giờ bị chia rẽ về các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình”, giáo sư Badie lưu ý.
Cho đến thời điểm này, Ngoại trưởng Pháp cũng chưa có kế hoạch gặp riêng với người đồng cấp Anh Liz Truss tại New York, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới. Phía Pháp cũng đã hủy các cuộc họp được lên lịch trong tuần này với Bộ trưởng Quốc phòng Anh.
“Họ có quyền tức giận”, ông Francois Heisbourg thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris lưu ý. “Rủi ro đối với pháp là khi sự tức giận trở thành kim chỉ nam cho các hành động của nước này”./.