Ukraine và câu chuyện về vùng ảnh hưởng

Hồi tháng 12/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu về các cuộc đàm phán liên quan đến việc Nga tập trung lực lượng trên quy mô lớn quanh Ukraine. Ông tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không bàn tới các quan ngại của Nga về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO. Ông Blinken lập luận rằng “Một nước không có quyền áp đặt vùng ảnh hưởng. Ý tưởng đó nên bị vứt vào thùng rác của lịch sử”.

Tại Hội nghị an ninh Munich, chỉ vài ngày trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, quan điểm trên của ông Blinken đã được một loạt nhà hoạch định chính sách nhắc lại, bao gồm Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Bà Baerbock nói rằng châu Âu đối mặt với sự lựa chọn tương phản mạnh: “Hoặc Helsinki hoặc Yalta… Nói cách khác, sự lựa chọn giữa một hệ thống dựa trên trách nhiệm chung về an ninh và hòa bình, với một hệ thống đối chọi quyền lực và vùng ảnh hưởng”.

Do vậy dễ hiểu là nhiều người vừa coi cuộc chiến ở Ukraine như một sự khước từ vùng ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế và là sự tái xác lập ý niệm về một “trật tự quốc tế tự do Mỹ dẫn dắt”, trong đó quyền lực và sức mạnh có ý nghĩa nhiều hơn thông lệ và giá trị.

Nhưng như thế không chính xác. Một vùng ảnh hưởng đơn giản là nơi mà một đại cường không sẵn lòng hoặc không thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để ép nước khác quy thuận. Về mặt này, Ukraine không phải là sự khước từ ý tưởng vùng ảnh hưởng mà là ví dụ rõ ràng về sự hoạt động của ý tưởng đó trong thực tiễn. Ukraine vừa qua đã là chỉ dấu rõ ràng về các giới hạn trong các vùng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và biểu hiện mức độ Nga có khả năng bảo vệ cái mà họ coi là vùng ảnh hưởng cấp khu vực của mình.

Cán cân quyền lực thế giới đã thay đổi ra sao

Như vậy cuộc chiến ở Ukraine không đánh dấu việc tiếp nối trật tự đơn cực, mà là đường phân chia giữa thời kỳ mà trong đó Mỹ xem toàn thế giới như vùng ảnh hưởng của mình và một thế giới mới mang tính đa cực hơn, trong đó quyền lực của Mỹ bị giới hạn và kiềm chế.

Nói cách khác, cuộc chiến ở Ukraine đã biểu lộ 3 điều về sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.

Thứ nhất, trong khi Mỹ vẫn tuyên bố về một vùng ảnh hưởng toàn cầu, trên thực tế họ không sẵn lòng mạo hiểm một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga để bảo vệ Ukraine. Rõ ràng Mỹ đã dùng vũ khí, tình báo, và tài chính để làm nghiêng cán cân xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine và phương Tây nhưng quân Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến.

Thứ hai, các vùng ảnh hưởng hiếm khi không bị giành giật. Nga cho tới nay đã tỏ ra chưa thể áp đặt ý chí lên Ukraine. Họ chưa đạt được các mục tiêu chính trong cuộc chiến này. Do đó, ranh giới vùng ảnh hưởng tiềm tàng của Nga trong thực tế có thể nhỏ hơn so với các mục tiêu ban đầu của Nga trước thời điểm 24/2/2022.

Thứ ba, mặc dù cuộc chiến tại Ukraine trong thời gian qua được phản ảnh theo kiểu cuộc đấu hai cực giữa Nga và phương Tây, phản ứng của thế giới về cuộc chiến này thực ra ít mang tính dứt khoát. Ngoài châu Âu, hầu hết các quốc gia có cách tiếp cận hết sức tinh tế, khéo léo đối với cuộc khủng hoảng này.

Nhiều nước châu Phi và châu Á bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc để lên án Nga nhưng họ chỉ dừng ở việc bỏ phiếu chứ không tham gia các hoạt động trừng phạt Nga.

Ấn Độ đã từ chối chọn bên – quyết định này bắt nguồn từ việc họ phụ thuộc một phần vào xuất khẩu quân sự của Nga và việc họ hưởng lợi từ dầu mỏ xuất khẩu của Nga.

Các nước vùng Vịnh thì đa phần thận trọng thể hiện quan điểm trung lập của mình, từ chối gia tăng sản lượng dầu mỏ và thậm chí còn tránh gọi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến tranh..

Trung Quốc theo đuổi việc ủng hộ Nga, nhưng họ vẫn cự tuyệt dính sâu hơn vào xung đột này về cả chính trị và kinh tế.

Kỷ nguyên thế giới đơn cực sắp không tồn tại?

VOV.VN - Sự tan rã của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu đã phá vỡ trật tự thế giới hai cực. Từ đó tới nay, Mỹ ở đỉnh cao quyền lực thực hiện chiến lược đơn cực. Tuy nhiên, trật tự đó đang bị lung lay dữ dội.

Đã đến lúc Mỹ phải thích ứng với tình hình mới?

Như vậy không có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta sẽ quay đầu trở lại với giai đoạn đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh hay bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa một bên là Mỹ và một bên là Nga hoặc cả Nga và Trung Quốc.

Thay vào đó, những chi tiết trên phản ánh xu hướng thế giới đang ngày càng phân mảnh theo hướng biến thành một môi trường phức tạp hơn và đa cực hơn, mà trong đó nếu Mỹ phiêu lưu về chính sách đối ngoại đã áp dụng bấy lâu nay thì sẽ bị dàn trải quá mức nguồn lực.

Nói một cách hình ảnh, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không nên coi cuộc chiến Ukraine như một bằng chứng về “trật tự tự do” của họ hay là việc Ukraine đại diện cho phương Tây để khước từ chính trị cường quyền và vùng ảnh hưởng. Ngược lại, đã đến lúc để họ tìm cách thích ứng với một thế giới không gồm duy nhất hai màu trắng và đen mà giờ đã gồm nhiều gam màu xám đa dạng./.