Cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc khủng hoảng ở châu Âu, thách thức trực tiếp trật tự an ninh thế giới. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến phương Tây có thể phải đánh giá lại chiến lược của mình, đó là thay vì lựa chọn Trung Quốc là thách thức dài hạn thì hiện nay, Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối phó với Nga cùng lúc. Mỹ đang can dự sâu hơn vào châu Âu bất chấp việc cần cân bằng lực lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thay vì tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giờ đây các lực lượng của Mỹ sẽ phải chia đều trên 2 mặt trận.
Ngoài ra, cấu trúc an ninh châu Âu cũng thay đổi khi Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO, điều tưởng như không thể xảy ra cách đây 1 năm. Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ làm thay đổi trật tự châu Âu mà còn làm thay đổi kiểu đối đầu với Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh Nga - Ukraine cũng yêu cầu NATO phải suy nghĩ lại về chiến lược dài hạn, lập trường và sự hiện diện của mình. Phương Tây cần một chiến lược để chuẩn bị cho sự đối đầu chiến lược có thể kéo dài trong hàng thập kỷ cũng như sắp xếp lại về những chính sách tương lai với Nga.
Một số nhà quan sát cho rằng, khoảng cách về khả năng quân sự trong cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy NATO và EU chưa được chuẩn bị để phản ứng trước khủng hoảng. Điều đó tức là châu Âu sẽ hướng tới xây dựng các cơ chế để phản ứng hiệu quả hơn trước những thách thức an ninh, sắp xếp chính sách quốc phòng để bổ sung cho NATO, lấp đầy khoảng trống lãnh đạo và đảm bảo Anh sẽ hợp tác sâu sắc hơn với các cơ sở hạ tầng an ninh của châu Âu, vượt qua những chia rẽ hậu Brexit.
Mỗi kịch bản một tương lai
Tương lai châu Âu sẽ có liên hệ mật thiết với kết quả cuộc chiến ở Ukraine. Dưới đây là một số kịch bản có thể xảy ra trong cuộc xung đột này và những tương lai khác nhau mà châu Âu sẽ đối mặt.
Cuộc chiến lớn hơn ở châu Âu: Sự can dự ngày càng sâu của phương Tây vào cuộc chiến ở Ukraine cũng như những tuyên bố cứng rắn của Nga đã khiến cuộc xung đột này có nguy cơ lan thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Ngày 23/5, Mỹ và hơn 20 quốc gia nhất trí cung cấp các gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trong đó có việc hỗ trợ về vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác. Mới đây, Đan Mạch cho biết nước này đang chuẩn bị chuyển bệ phóng và đạn tên lửa Harpoon cho Ukraine - tên lửa với tầm bắn có thể đe dọa Nga ở phía Bắc Biển Đen. Hàng loạt nước châu Âu khác như Cộng hòa Séc, Italy, Hy Lạp, Na Uy, Phần Lan cũng cam kết hỗ trợ quân sự Ukraine từ trực thăng, xe tăng, cho đến pháo và đạn dược. Trong khi đó, Nga cảnh báo việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và khiến xung đột lan rộng.
Nga giành chiến thắng: Ở viễn cảnh này, Ukraine có thể vẫn có sự độc lập nhưng sẽ phải chấp nhận những yêu cầu của Nga và tham gia vào những cấu trúc do Nga dẫn đầu, chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) thay vì NATO. Châu Âu sẽ chia rẽ như thời kỳ căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh. Chiến thắng của Nga trước Ukraine sẽ tác động sâu sắc đến những nước từng thuộc Liên Xô. Khi đó, NATO lo ngại, các nước thành viên giáp với Nga như Ba Lan, Romania và Bulgaria cùng với 3 nước Baltic sẽ đặc biệt dễ bị tấn công.
Chiến tranh kéo dài:Trong kịch bản này, chiến tranh sẽ kéo dài một vài năm với 2 bên đều đạt được thành quả và chịu tổn thất nhưng không có chiến thắng quyết định. Kết quả này sẽ dẫn đến tình trạng xung đột gần như liên tục ở châu Âu và luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột leo thang. Thương vong của cả 2 bên sẽ tiếp tục gia tăng. Phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine nhưng tình trạng quan hệ giữa Ukraine và các tổ chức phương Tây vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, sức ép trong nước với điện Kremlin cũng sẽ gia tăng khi xung đột kéo dài đem theo những tác động về kinh tế - xã hội.
Xung đột cường độ thấp: Ở kịch bản này, có thể Nga sẽ tuyên bố chiến thắng, rút quân khỏi hầu hết Ukraine nhưng sẽ củng cố lực lượng tại Crimea và các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng như Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR). Những cuộc giao tranh không thường xuyên sẽ tiếp diễn, tương tự như trong khoảng thời gian từ 2015 - 2021. Những vấn đề cơ bản trong các mối quan hệ vẫn sẽ chưa được giải quyết. Chiến tranh sẽ tạm dừng chứ không kết thúc trong khi nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột mới luôn tiềm ẩn trong tương lai.
Ukraine bị chia cắt:Một số nhà quan sát dự báo Nga sẽ sáp nhập phần còn lại của khu vực Donetsk và Lugansk vào lãnh thổ của mình, xây dựng một cây cầu nối với Crimea. Ukraine vẫn sẽ giữ được độc lập chủ quyền và xích lại gần phương Tây.
Chiến thắng cho các bên:Trong kịch bản này, Nga sẽ rút khỏi hầu hết Ukraine, bao gồm cả DPR và LPR, nhưng vẫn kiểm soát Crimea. Sẽ có một hiệp ước quốc tế mới đảm bảo chủ quyền của Ukraine và hơp thức hóa thỏa thuận giải quyết những vấn đề về lãnh thổ, an ninh và chính trị. Dù vậy, kịch bản "châu Âu nhất thể" có lẽ sẽ chưa thể thực hiện mà thay vào đó châu Âu sẽ là một châu lục "đa tốc độ" với sự đa dạng về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Những khác biệt sẽ được giải quyết và nguy cơ xung đột sẽ bị loạt bỏ.
Ukraine giành chiến thắng:Nga sẽ rút các lực lượng khỏi Ukraine, ngoại trừ DPR và LPR. Ukraine sẽ ngả về châu Âu, đạt được tư cách thành viên EU nhưng vẫn khó có khả năng gia nhập NATO trong tương lai gần. Ảnh hưởng của EU và NATO sẽ mở rộng không chỉ ở Ukraine mà còn cả các nước từng thuộc Liên Xô.
Thách thức của châu Âu
Trong thời kỳ hậu chiến tranh Ukraine, NATO có thể sẽ tiếp tục chính sách mở cửa, để ngỏ khả năng mở rộng liên minh trong tương lai. Quá trình kết nạp chính thức Phần Lan và Thụy Điển sẽ được đẩy nhanh, theo cùng đó là những đảm bảo an ninh rõ ràng trong giai đoạn gia nhâp nhằm tăng cường khả năng của liên minh.
Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây, Ukraine vẫn khó có triển vọng gia nhập NATO bởi các thành viên của liên minh quân sự này vẫn lo ngại phản ứng thái quá từ Nga nếu kết nạp Kiev.
Khả năng của liên minh xuyên Đại Tây Dương Mỹ - châu Âu nhằm giải quyết các thách thức về trung hạn sẽ phụ thuộc vào thực tế ngắn hạn ở Ukraine. Châu Âu có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đồng thời áp những lệnh trừng phạt cứng rắn lên Nga. Dù ở bất kỳ kịch bản nào, châu Âu và Mỹ chắc chắn sẽ nghĩ lại về chiến lược của mình trong mối quan hệ về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ đối mặt với một số thách thức:
Chiến tranh kinh tế:Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến phương Tây sử dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có từ đóng băng dự trữ Ngân hàng Trung ương Nga cho tới tẩy chay về thương mại và đầu tư. Điều này đã gây ra tác động đến nền kinh tế Nga nhưng cũng đang khiến nền kinh tế của phương Tây và toàn cầu chịu không ít ảnh hưởng.
An ninh năng lượng:Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga là một điểm yếu của châu Âu trong một thời gian dài. Những tiến triển hạn chế về chính sách năng lượng của EU nhằm phản ứng với Nga là kết quả của sự phụ thuộc này. Dù vậy, châu Âu cam kết sẽ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và mở rộng việc sử dụng các năng lượng thay thế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc, nhưng cái giá của chính sách này chính là sự gián đoạn nguồn cung, chi phí đắt đỏ và những lựa chọn chính trị khó khăn.
Sự thống nhất của liên minh:Có một thực tế đầy mâu thuẫn là trong khi cuộc chiến ở Ukraine khiến phương Tây xích lại gần nhau thì cũng chính cuộc chiến này đã phơi bày những khác biệt của phương Tây, trong đó có việc cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào.
Ban đầu mục tiêu của các nước phương Tây là hỗ trợ Ukraine chống chịu trước chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, hiện nay, "chiến thắng" đã được định nghĩa lại và quan điểm của các nước không giống nhau. Chiến thắng có phải là khôi phục tình trạng như trước ngày 24/2 - thời điểm cuộc chiến diễn ra? Hay chiến thắng là giành lại các khu vực mà Nga kiểm soát và duy trì ảnh hưởng từ năm 2014 như Crimea và 2 nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donbass?
Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine cũng đặt ra động lực mới cho châu Âu. Trong khi Đức, Pháp và Italy do dự trước thực tế mới bởi nó phá vỡ mô hình mối quan hệ hậu Chiến tranh Lạnh với Nga thì Ba Lan và các nước vùng Baltic hoan nghênh việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATOđồng thởi củng cố quan hệ đối tác với Ukraine nhằm hướng tới một châu Âu trong tương lai có thể mạnh mẽ và tạo dựng được ảnh hưởng như vai trò của Pháp và Đức với một châu Âu trước đây./.